Cũng theo Cục Thống kê TPHCM, có 5/11 nhóm hàng giảm giá, cụ thể, nhóm nhà ở, điện nước; chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,45% do giá gas tháng 4 giảm, cộng với sức mua ngành xây dựng như sắt thép, xi măng giảm; nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,02%; nhóm giao thông giảm 0,52%; nhóm văn hóa giải trí, du lịch giảm 0,09%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,31%.
Sức mua sắm của người dân trong những tháng gần đây liên tục giảm
6 nhóm còn lại đều có mức giá tăng: cao nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,53%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,34%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36%; các nhóm còn lại có mức tăng không đáng kể như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,05%, trong đó giá hàng lương thực tiếp tục giảm 0,69%.
Các chuyên gia nhận định, chỉ số CPI tháng này đã phản ánh sức mua người dân vẫn còn thấp. Tháng 5 có hai ngày nghỉ lễ nhưng giá các mặt hàng không biến động nhiều. Mặc dù nhiều siêu thị, trung tâm thương mại có nhiều hình thức khuyến mãi dịp lễ 30-4 và 1-5, nhưng lượng hàng bán ra tăng không đáng kể do người dân thắt chặt chi tiêu. Tại các chợ đầu mối, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ cũng không tăng nên giá các mặt hàng không biến động nhiều.
Trong khi đó, Cục Thống kê Hà Nội cũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của TP Hà Nội tháng 5 - 2013 giảm 0,22% so với tháng trước. Do dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày liên tiếp khiến một số mặt hàng như tour du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất là 0,49% so với tháng trước, trong đó lương thực giảm 0,04%, thực phẩm giảm 0,81% và ăn uống ngoài gia đình chỉ tăng 0,01% so với tháng trước. Nguyên nhân nhận thấy của các mức giảm này là do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và tâm lý e ngại đối với một số loại thực phẩm chủ yếu.