Như vậy, theo dãy số liệu có được từ 2003, lần đầu tiên CPI của Thủ đô giảm 3 tháng liên tiếp và tháng 5 năm nay cũng chỉ tăng 1,67% so với tháng 12 năm trước, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Còn so với cùng kỳ năm trước, CPI của Hà Nội tăng 5,16%.
Còn tại Tp.HCM, CPI tháng 5/2013 tiếp tục giảm 0,16% so với tháng trước, nhưng tăng 0,66% so với tháng 12 năm ngoái và tăng 2,22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tháng 3 CPI giảm là theo quy luật hàng năm, các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều giảm sau Tết thì tháng 5, CPI giảm lại do nhu cầu tiêu dùng của dân cư thu hẹp do thắt chặt chi tiêu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tại Hà Nội tháng 4 năm 2013 chỉ tăng 1,7% so với tháng trước và dự kiến tiếp tục không tăng cao trong tháng 5 này.
Còn đầu tàu kinh tế phía Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Tp.HCM sau khi tăng nhẹ 2,8% trong tháng trước tiếp tục được dự báo tăng không cao là minh chứng rõ nét cho hoạt động mua bán “cầm chừng” của người dân trong thời gian qua.
Kinh tế khó khăn khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, 5 ngày nghỉ lễ kéo dài liên tiếp cũng chỉ khiến giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tại Hà Nội và Tp.HCM tăng không đáng kể 0,01% và 0,34% so với tháng trước.
Với việc CPI của hai thành phố lớn đều giảm, CPI của cả nước được dự báo sẽ âm trong tháng 5, sau khi chỉ tăng nhẹ 0,02% trong tháng 4 vừa qua.
Trong tháng 5, hai mặt hàng không được tính vào CPI là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi chỉ số giá vàng tại Tp.HCM và Hà Nội lần lượt giảm 4,22% và 5,33% so với tháng trước, trong khi chỉ số USD lần lượt tăng 1,2% và 0,04% so tháng trước.