Như vậy, CPI tại Hà Nội đã tăng 1,67% so với tháng 12 năm trước và tăng 5,16% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về con số, mức giảm của CPI tháng 5 tương đương với CPI tháng 3 ở cả chỉ số chung lẫn một số nhóm chủ yếu nhưng khi soi kỹ nội hàm các nhóm thì chúng đến từ các nguyên nhân giảm giá khác nhau.
Trong tháng 5, thị trường Hà Nội có nhiều cơ hội để tăng giá như Hà Nội chào hè bằng đợt nắng nóng kỷ lục khiến nhu cầu đối với các mặt hàng như nước uống, bia rượu, điện máy tăng hay dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày liên tiếp cũng khiến một số mặt hàng như tour du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống ngoài gia đình tăng giá.
Tuy nhiên, tất cả các tác động trên chỉ khiến CPI tháng 5 giảm không quá sâu chứ không thể cưỡng lại mức giảm đến từ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nhu cầu tiêu dùng của dân đang suy giảm nên mặc dù có các tác nhân tăng giá nêu trên nhưng giá các mặt hàng này tăng không nhiều. Trong tháng, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng cao nhất chỉ ở mức 0,64%, nhóm đồ dùng gia đình và nhóm văn hóa thể thao giải trí chỉ tăng 0,06% so với tháng trước.
Ở chiều ngược lại, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất -0,49% so với tháng trước trong đó lương thực giảm 0,04%, thực phẩm giảm 0,81% và ăn uống ngoài gia đình chỉ tăng 0,01% so với tháng trước.
Nguyên nhân nhận thấy của các mức giảm này là do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và tâm lý e ngại đối với một số loại thực phẩm chủ yếu.