Dạo quanh thành phố Hà Nội, chúng ta dễ dàng tìm thấy những cửa hàng rau sạch tại nhiều con phố. Tuy nhiên, các địa điểm này lại rất vắng khách. Siêu thị rau sạch Minh Hoa, Ngọc Khánh vào giờ cao điểm mà vẫn ế ẩm, chẳng có khách ghé thăm. Phần vì giá cả tại các cửa hàng này cao hơn ngoài chợ, nhưng rau lại không được tươi ngon và cũng chẳng ai chắc chắn được nó có đúng là rau sạch hay không. Mặt khác, số lượng rau tại đây không nhiều, trong khi đó, rau lại héo úa khiến khách hàng chẳng mấy mặn mà. Nhìn thấy héo rồi thì chẳng còn ai muốn mua, dù rau có sạch và có nguồn gốc rõ ràng đi chăng nữa.
Chị Phan Ái Hoa (phố Thái Thịnh, Hà Nội), tìm thấy túi rau hẹ, mướp đắng, củ cải… được đóng gói từ trước đó 4-5 ngày. Rau cải, rau ngót… cũng héo rũ trên kệ hàng.
Tại siêu thị Ngọc Khánh (phố Đặng Văn Ngữ), các kệ rau chỉ lèo tèo vài loại như cải ngọt, cải bó xôi, bí đao…hầu hết đã kém tươi ngon. Các nhân viên bán hàng ở đây cho biết những loại rau này là từ hôm trước. Do chưa bán hết nên hôm nay vẫn chưa nhận tiếp về bán. Còn các loại củ thì cũng nằm lăn lóc trên các kệ được đề là rau sạch, song không hề có dán nhãn xuất xứ.
Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đưa rau củ quả an toàn đến người dân, sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2012 và sự ra đời của hàng loạt các cửa hàng bán rau sạch tại các khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới chỉ có 80 điểm bán rau quả sạch. Đây là con số quá nhỏ so với nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân trên thành phố. Điều này dẫn đến hậu quả, các hợp tác xã rau sạch phần lớn phải bán tống bán tháo ra chợ đầu mối với giá rẻ tương đương với rau từ nhiều vùng chuyển về.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, chủ nhiệm HTX Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cho biết, “rau an toàn do nông dân ở đây trồng chỉ luẩn quẩn bán tại huyện Gia Lâm, hầu như chưa sang được nội thành. Quan trọng nhất là bao tiêu sản phẩm cho người trồng rau thì hầu như chúng tôi không có sự giúp đỡ nào, đành tự mày mò đi tiếp thị tại siêu thị, còn lại phải bán đại trà”. Với 9ha trồng rau sạch thì chỉ một phần rất nhỏ số lượng rau này được thu mua để đưa vào siêu thị. Phần lớn được đưa về các chợ đầu mối để trà trộn với rau “bẩn”.
Theo Sở Công thương Hà Nội, kết quả hoạt động của của các điểm bán rau sạch nội thành đã không được như kỳ vọng. Mặc dù số lượng rau tiêu thụ trên địa bàn đã tăng về số lượng và chất lượng, nhưng lượng rau tiêu thụ tại các điểm bán rau an toàn vẫn hạn chế. Nguyên nhân chính do người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng rau được bán tại các địa điểm này là sạch. Sự nghi ngờ này không phải là vô lý.
Tất cả bởi sự nhập nhằng trong tổ chức kinh doanh và tiêu thụ. Điều này khiến cho người trồng rau an toàn thì lo ế, còn người tiêu dùng thì cứ mỏi mắt đi tìm niềm tin vào rau sạch. Vì thế nên, phần lớn người tiêu dùng vẫn mua rau tại các chợ xanh, chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống bởi rau vừa tươi, vừa rẻ hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, “để kinh doanh rau an toàn, rất khó có điểm kinh doanh nào đem lại lợi nhuận nếu không được hỗ trợ kinh phí do giá thuê mặt bằng cao”. Trước đây, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xây dựng 23 điểm kinh doanh rau sạch, nhưng nhiều địa điểm cũng đã phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh được với rau “thường”.
Trước sự lép vế của các cửa hàng rau an toàn, Sở Công thương Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp mở mạng lưới tiêu thụ và các địa điểm khả thi phục vụ hoạt động tiêu thụ rau củ quả an toàn.
Tuy nhiên, những đề xuất này lại có vẻ khó mang lại những kết quả như mong đợi. Bởi từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp và công thương Hà Nội cũng đã có những chính sách hỗ trợ điểm bán rau an toàn nhưng cứ mở ra rồi lại đóng cửa. Do đó, việc cần thay đổi ở đây không đơn thuần chỉ là hỗ trợ địa điểm bán mà còn phải lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng bằng cái tâm kinh doanh. Bởi chuyện sạch hay không phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, có vậy thì sản phẩm mới thật và sạch từ gốc, chứ không phải chỉ là chuyện cọng rau, con cá…