Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN thường xuyên đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong nước cũng như từ nước ngoài. Có thể hiểu đơn giản, đây là sự ganh đua giữa những chủ thể trong nền sản xuất hàng hóa nhằm chiếm lĩnh thị trường, khách hàng hoặc những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ để thu lợi nhuận cao.
Bên cạnh mặt tích cực, cạnh tranh còn có những hoạt động vi phạm đạo đức, pháp luật như buôn lậu, trốn thuế, tung tin phá hoại, quảng cáo không đúng sự thật hay những hành vi cạnh tranh gây tổn hại đến môi trường sinh thái. Trong đó, phải kể đến tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng được bày bán công khai, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, đối tượng ngày càng mở rộng khiến cho các DN kinh doanh chân chính gặp khó khăn, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.
Theo đánh giá của Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương Trần Hùng, công tác đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập do phương thức thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi và đa dạng mà chế tài xử phạt thì quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Tính riêng trong quý I/2013, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.115 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử phạt vi phạm hành chính 13,5 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều cơ quan thực thi pháp luật có thẩm quyền xử lý hàng giả dẫn đến chức năng nhiệm vụ bị chồng chéo, trong khi cơ chế phối hợp lại chưa đồng bộ. Ông Trần Hùng cho rằng, đấu tranh với vấn nạn hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công việc không chỉ riêng của một lực lượng, một tổ chức hay cá nhân, mà phải là trách nhiệm của toàn xã hội. Bảo vệ người tiêu dùng cũng chính là bảo vệ quyền lợi của những DN làm ăn chân chính.
Chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp chống hàng giả của Thụy Sỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho biết, Thụy Sỹ đã có nhiều biện pháp mạnh để trấn áp nạn hàng giả, hàng nhái như xây dựng và thực hiện các chế tài đánh vào DN khiến DN có thể giải thể hoặc ngừng hoạt động nếu vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời, công khai tên DN, tổ chức làm hàng giả trên truyền hình, tại các nơi công cộng… Ngoài ra, Thụy Sỹ cũng đã ban hành nhiều luật về khoa học và công nghệ và sở hữu trí tuệ, thành lập tòa án riêng về sở hữu trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ trong các DN vừa và nhỏ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu quốc gia SWISS MADE, hỗ trợ đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ra thị trường để bảo vệ người tiêu dùng.
Để hạn chế được tình trạng vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng gây bức xúc cho người tiêu dùng, DN và xã hội, Đại diện Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang hoàn thiện và trình Chính phủ Chương trình Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để định hướng hoạt động cho các lực lượng chức năng thực thi giai đoạn 2013 - 2020.
Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho rằng, các cơ quan chức năng cần sửa đổi một số văn bản pháp luật không đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất. Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý để kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các DN vi phạm Luật Cạnh tranh, bán phá giá, làm hàng giả, hàng nhái, chuyển giá và chuyển thuế. Đặc biệt, các DN trong nước cần thay đổi tư duy kinh doanh của mình và quan niệm rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ sự phát triển của mình, để từ đó thực hiện đúng quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng và khối lượng của sản phẩm.