Tại hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại tại TPHCM tổ chức hôm 13-5 nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua hệ thống siêu thị bán lẻ, ông Tim Kelbel, Phó chủ tịch phụ trách nhãn hiệu doanh nghiệp và nguồn cung toàn cầu của Kroger, cho biết tập đoàn này đang kiếm các đối tác cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh để phân phối trong hệ thống bán lẻ của Kroger. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy của Kroger.
Theo đại diện của Kroger, tập đoàn này dự kiến nhập khẩu khoảng 5 - 6 tỉ đô la Mỹ/năm, trong đó 4-5% sẽ mua từ Việt Nam. Hiện tập đoàn đang mua cà phê Việt Nam với kim ngạch đạt khoảng 50 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Tập đoàn này đã mua hàng hoá của Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng chủ yếu qua các công ty trung gian, và đây là lần đầu tiên tập đoàn đến Việt Nam.
Kroger đang tìm kiếm nhiều mặt hàng tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là thực phẩm, như hải sản, gạo, tiêu, hạt điều, rau quả đóng hộp, dừa, hương liệu gia vị... Ngoài ra, tập đoàn này cũng tìm các hàng hoá phi thực phẩm, như đồ gỗ, quần áo, nguyên liệu mỹ phẩm, găng tay,... Mỗi năm Kroger nhập khẩu 200 - 300 triệu đô la Mỹ hàng hoá phi thực phẩm từ khu vực Đông Nam Á.
Các đối tác cung cấp hàng hoá cho Kroger phải đáp ứng các tiêu chí hoặc đang trong quá trình hoàn thiện để được cấp chứng nhận về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu được công nhận trên toàn cầu, như HACCP, Global GAP,… và các yếu tố về trách nhiệm xã hội. Kroger dự kiến bắt đầu mua hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam bằng những đơn hàng nhỏ, và sẽ dần nâng quy mô sau thời gian thăm dò thị trường.
Ngoài tìm kiếm đối tác Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tập đoàn bán lẻ này cũng tìm kiếm các đối tác nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam hàng hóa do Kroger sản xuất.
Kroger là tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai tại Mỹ xét về doanh thu, sau Wal-Mart. Tổng doanh thu bán hàng của Kroger trong năm 2012 đạt 96,8 tỉ đô la Mỹ, và đặt mục tiêu trên 100 tỉ đô la Mỹ trong năm 2013.
Tập đoàn này có 34 trung tâm phân phối - hàng hoá từ đây được phân phối đến các siêu thị. Kroger có hơn 2.400 siêu thị và cửa hàng lớn (multi-department stores) ở 31 bang của Mỹ, 786 cửa hàng tiện lợi, 328 cửa hàng bán đồ trang sức đá quý và 37 nhà máy chế biến thực phẩm tại Mỹ.
Không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tiếp cận các siêu thị nước ngoài
Việt Nam đang đẩy mạnh hình thức xúc tiến thương mại thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ lớn tại thị trường nước ngoài, như Lotte (Hàn Quốc), Coop (Ý), Metro Cash & Carry (Đức),... Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng muốn tiếp cận các siêu thị bán lẻ ở nước ngoài.
Trước đó, bên lề một hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp và tham tán thương mại tổ chức tại TPHCM vào tháng 3-2013, ông Nguyễn Bảo, Tham tán thương mại Việt Nam tại Úc, cho biết ông đã tiếp cận được hai nhà bán lẻ lớn của Úc. Tuy nhiên, ông khá ngạc nhiên khi doanh nghiệp Việt Nam không mấy mặn mà, và rất ít doanh nghiệp đăng ký gặp gỡ đại diện hai hệ thống bán lẻ này.
Theo ông Bảo, nguyên nhân là do khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm Việt Nam còn yếu so với sản phẩm cùng loại được sản xuất trong khu vực. Đối tác Úc cũng muốn đặt mua sản phẩm hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, trong khi Việt Nam chủ yếu nhận gia công hàng hoá. Ngoài ra, có những doanh nghiệp lớn của Việt Nam “chê” đơn hàng của đối tác Úc nhỏ nên không muốn nhận dù đó là giai đoạn đầu để hai đối tác tìm hiểu nhau.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khi được hỏi cũng cho biết việc bán hàng trực tiếp cho các siêu thị ở nước ngoài cũng có một số bất tiện, chẳng hạn như các siêu thị thường thanh toán chậm đến 90 ngày.
|