Theo số liệu của Vụ Quản lý thị trường trong nước, Bộ Công thương, trong quý I/2013, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt hơn 636 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 4,5%, thấp hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm 2012.
Xét theo thành phần kinh tế, các nhóm thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ đều tăng từ 10-15%, riêng nhóm du lịch chỉ tăng 4% do nhu cầu du lịch Tết năm nay giảm so với năm trước. Dù tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng, nhưng Ts Vũ Đình Ánh cho rằng, các số liệu nêu trên đang cho thấy sức mua ở nước ta đang tăng thấp.
Trong khi đó, cho dù Việt Nam không còn nằm trong danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nữa thì thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang rất thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp đã công bố kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Singapore NUTC Fair Price cũng liên doanh với Saigon Co.op đầu tư, vận hành đại siêu thị thương hiệu Co.opXtra. Theo Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, chuỗi siêu thị Fivimart Vũ Thị Hậu, các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài đầu tư vào nước ta là thách thức với doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Do đó, sức mua tăng thấp không là trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước, mà quan trọng là do có nhiều siêu thị được mở ra trên cả nước.
Hiện nay thị trường bán lẻ nước ta đang có sự tham gia của 21 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, với tốc độ mở rộng thị phần rất nhanh. Dù vậy, theo Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20% thị trường nên cơ hội khai thác còn lớn.
Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ này lên 45%. Tính đến cuối năm 2012, trên cả nước có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Bởi thế, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần chuyên nghiệp hóa, tăng cường kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp. Nhà nước chỉ nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng hệ thống cơ chế chính sách phù hợp để doanh nghiệp tự phát triển.
Doanh nghiệp bán lẻ nước ta đang gặp phải nhiều thách thức, từ khả năng thanh toán của người tiêu dùng sụt giảm, sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ với nhau tới những khó khăn nội tại của các doanh nghiệp như hệ thống quản trị doanh nghiệp chưa bài bản, đội ngũ nhân sự bán lẻ còn thiếu và yếu... Để có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh gay gắt, những doanh nghiệp này cần khắc phục những điểm yếu, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường và thị hiếu khách hàng.