Giá sữa Việt Nam cao nhất thế giới...
Trong 10 năm trở lại đây, các cửa hàng kinh doanh sữa thi nhau mọc lên như "nấm sau mưa", tại rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ðơn cử, ở Hà Nội, nếu như cách đây vài năm, mỗi phố chỉ có một vài cửa hàng thì nay con số này đã tăng gấp bội, thậm chí đã hình thành những tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng này. Thị trường sữa phát triển quá nhanh, với vài chục chủng loại sản phẩm và hàng trăm tên gọi khác nhau, khiến cơ quan quản lý cũng lúng túng. Những vụ sữa kém chất lượng bị phát hiện vừa qua mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", khi đại diện Cục quản lý thị trường thừa nhận tình trạng các loại sữa xách tay, sữa bột, sữa nhập lậu không được kiểm tra bán với số lượng lớn gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.
Từ việc các cơ quan chức năng không thống nhất trong đăng ký tên gọi sản phẩm, một thời gian dài, doanh nghiệp (DN) đã đổi tên sản phẩm để tránh phải đăng ký giá. Vì vậy, dù đã được đưa vào danh mục quản lý nhưng giá sữa vẫn không ngừng tăng. Tính riêng từ đầu năm đến nay, hàng loạt các hãng sữa cả nội lẫn ngoại như Abbot, Vinamilk... thi nhau tăng giá từ 7 đến 15%. Gần đây nhất, ba hãng sữa tiếp tục gửi hồ sơ đăng ký tăng giá tới Bộ Tài chính từ 2 đến 15%. Theo báo cáo, trong bảy năm trở lại đây, giá sữa tại Việt Nam đã tăng 30 lần, trở thành nước có mức giá cao nhất thế giới (trung bình 1,4 USD/lít), trong khi ở châu Âu và châu Mỹ trung bình chỉ là 0,5-0,9 USD/lít, ở Trung Quốc là 1,1 USD /lít.
Ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: Về bản chất, Nhà nước không định giá mặt hàng sữa. Sữa bột cho trẻ dưới sáu tuổi là mặt hàng bình ổn giá, nhưng việc đăng ký giá của DN cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp bình ổn, khi cần thiết mới làm. Phải chăng, việc chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi mới phải kê khai đăng ký giá và chịu sự quản lý của Nhà nước đã tạo nên kẽ hở để những nhà sản xuất và phân phối sữa "lách luật"?
Bài toán về phương thức quản lý
Với khả năng ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, đặc biệt là các cháu nhỏ, nói rộng là ảnh hưởng đến tương lai nòi giống Việt, giá và chất lượng sữa là vấn đề rất đáng quan tâm. Ðối với sản phẩm sữa, giá và chất lượng phải luôn song hành, không thể chỉ đề cập một yếu tố đơn lẻ.
Vấn đề quản lý thị trường sữa hiện nay rất phức tạp, vì đây là thị trường tiêu dùng rộng lớn và thiết yếu. Hiện tại, trên các diễn đàn mạng hoặc các sạp tạp hóa đang bán rất nhiều các loại sữa xách tay, sữa bột, sữa bán theo kg với số lượng lớn. Những nhãn sữa xách tay này đương nhiên không qua kiểm soát của phía Việt Nam. Và không loại trừ khả năng, trong đó có cả sữa kém chất lượng hoặc sữa quá hạn sử dụng, được "tân trang" để đẩy vào thị trường. Theo ông Ðỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Bộ Công thương, nguyên nhân trước hết của tình trạng này là bản thân những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kiếm lời. Vấn đề thứ hai là tâm lý sính ngoại của khách hàng. Ngoài ra, việc thông tin cho người dân để tiêu thụ hàng trong nước còn hạn chế.
Dưới góc nhìn của nhà sản xuất, ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sữa Hà Nội thừa nhận: Chi phí cho hội thảo, bán hàng chiết khấu quá lớn, tiếp thị và quảng cáo quá nhiều đã đang là nguyên nhân chính đẩy giá thành sữa tăng, nhất là mặt hàng sữa ngoại nhập. Bên cạnh đó, đã có những biện pháp hành chính khống chế DN sản xuất sữa trong nước (chỉ được chi 10% trên tổng chi phí hợp lệ cho quảng cáo), nhưng lại không khống chế đối với DN nước ngoài, nên đã tạo sự cạnh tranh thiếu công bằng.
Hiện nay, Luật Giá đã quy định những hàng hóa thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giá, Bộ Y tế thực hiện quy định cụ thể danh mục hàng hóa bình ổn giá thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. Trong khi chờ cơ quan chức năng thay đổi phương thức quản lý, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức. Ðồng thời, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng pháp luật. Có như vậy mới bảo vệ được người tiêu dùng và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn.
* Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sữa Hà Nội:
Biện pháp hành chính không thể quản lý một cách lâu dài và bền vững mà cần có giải pháp cung cấp thông tin đến người tiêu dùng để chính họ có bình chọn dựa vào chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, để có thương hiệu sữa Việt thì Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng phải xem xét, đánh giá từng loại sữa theo chất lượng, thăm dò người tiêu dùng để bình chọn những nhãn hiệu sữa đủ tiêu chuẩn. Như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí quảng cáo cho DN mà đem lại lợi ích chung cho người tiêu dùng.
* Ông Ðỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương:
Trong bối cảnh chúng ta đang vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vấn đề chất lượng cần phải được đặt ra mạnh mẽ hơn. Cũng cần có những thông tin kịp thời về các sản phẩm sữa Việt. Tôi tin rằng, nếu các vấn đề về chất lượng sữa được đưa ra song song với sự phát triển của các nhà máy thuộc ngành sữa thì nạn sữa lậu, sữa không kiểm soát sẽ có thể bị đẩy lùi. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn, để có cơ sở xử lý khi xảy ra tranh chấp".