Liên quan đến BHXH, Luật Lao động 2012 có những điểm mới và có lợi cho Người lao động như sau:
- Tại điều 186, chương XII, quy định rõ đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm chi một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN và tiền nghỉ phép năm theo quy định. Đây là một điểm mới và có lợi cho NLĐ.
Hiện tại, chúng ta có BHXH tự nguyện dành cho đối tượng này nhưng số lượng người tham gia rất ít vì họ không có nguồn thu, nếu tham gia, họ đóng một số tiền khá lớn. Khi có quy định này thì tất cả NLĐ đều được đảm bảo quyền lợi như nhau, được tham gia BHXH đầy đủ.
Tại điều 157, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. BHXH Việt Nam cũng đã có hướng dẫn thực hiện, theo đó lao động nữ cũng sẽ được hưởng trợ cấp thai sản 6 tháng.
Những khó khăn khi thực hiện đóng BHXH cho NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN như luật nêu là có lợi cho NLĐ:
- NLĐ nên tìm hiểu kỹ về pháp luật LĐ, biết dựa vào luật để bảo vệ mình. Trong mọi công việc, NLĐ phải yêu cầu NSDLĐ ký hợp đồng lao động ghi rõ thời gian, công việc, mức lương, các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN để khi NSDLĐ không thực hiện thì cơ quan chức năng mới dựa vào hợp đồng để yêu cầu NSDLĐ thực hiện. Nhiều trường hợp, NLĐ chủ quan, hoặc không hiểu chỉ “hợp đồng miệng” đến khi NSDLĐ không trả lương, chưa nói đến các khoản BHXH, thì đi kiện nhưng không có bằng chứng, lúc đó cơ quan chức năng cũng rất khó giải quyết. Về phía cơ quan BHXH sẽ tăng cường tuyên truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi để NLĐ tham gia BHXH một cách dễ dàng nhằm đảm bảo quyền lợi.
Đề xuất trong trường hợp NLĐ khi nghỉ việc không được hưởng trợ cấp thôi việc, giải quyết các chế độ liên quan đến BHXH do DN trốn đóng, trây ỳ đóng BHXH:
- Có trường hợp, DN phá sản, chủ bỏ trốn, trước đó DN trốn đóng BHXH khiến hàng trăm LĐ có nguy cơ mất trắng quyền lợi hoặc nhiều tập đoàn lớn nợ BHXH lên đến chục tỉ đồng khiến việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ rất khó khăn. Ví dụ tính đến ngày 31.12.2012, trên địa bàn TP có 19.970 DN nợ BHXH số tiền hơn 690 tỉ đồng. 80 - 90% tổng số DN ngoài quốc doanh nợ BHXH từ dưới 1 tháng, 1 tháng đến 3 tháng, các đơn vị nợ trên 1 tỉ đồng thời gian kéo dài trên 12 tháng xảy ra ở hầu hết các ngành nghề, trong đó có nhiều DN nợ BHXH lên tới hàng chục tỉ đồng và gần như mất khả năng trả nợ như các Cty con trực thuộc Tập đoàn Mai Linh tại TPHCM nợ BHXH lên đến 49 tỉ đồng, Tập đoàn Vinashin, Vinalines nợ hàng chục tỉ... Nhưng mức xử phạt cao nhất hiện nay đối với các DN nợ BHXH cũng chỉ có 30 triệu đồng.
Để tăng tính răn đe, kiên quyết hơn đối với các DN nợ, cố tình trây ỳ, trốn đóng BHXH thì phải tăng mức xử phạt. BHXH TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, khởi kiện các DN vi phạm, đặc biệt cần phải bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội danh chiếm dụng quỹ BHXH đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động không đóng BHXH kéo dài. Có như vậy mới bảo vệ hữu hiệu được quyền lợi NLĐ.
Xem chi tiết tại: http://thuvienphapluat.vn/archive/Bo-Luat-lao-dong-2012-vb142187.aspx