CPI tháng 4 giảm 0,1% so với tháng 3, và chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo JPMorgan Chase, mức tăng này thấp hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Trong đó, ngân hàng này dự báo CPI tháng 4 tăng 7,3%, còn mức đồng thuận chung của các nhà dự báo là tăng 7%.
“Các áp lực giá cả có xu hướng vững lên vào đầu năm, trước Tết âm lịch, rồi giảm dần trong một vài tháng sau đó. Bởi vậy, chúng tôi đã kỳ vọng vào sự đi xuống của lạm phát tháng thứ hai liên tiếp trong tháng này. Tuy nhiên, mức độ giảm đã gây đôi chút bất ngờ, nhất là khi mà mức tăng giá tạm thời trước Tết năm nay khá thấp so với những năm trước”, báo cáo của JPMorgan Chase có đoạn viết.
Ngân hàng này cho rằng, mức lạm phát của tháng 4 là thấp bất thường, bất chấp giá bán lẻ xăng dầu chỉ giảm nhẹ. “Thật khó để tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào về áp lực giá cả đáng kể ở bất cứ đâu trong nền kinh tế hiện nay”, báo cáo đánh giá.
Các chuyên gia của JPMorgan Chase cho rằng, nhìn vào tất cả sự đi xuống của tất cả các số liệu lạm phát hiện nay, bao gồm CPI so với tháng trước, cùng kỳ năm trước, CPI, CPI lõi, CPI không tính tới nhóm lương thực-thực phẩm…, có thể thấy, áp lực giá cả thấp gần đây không đơn thuần chỉ phản ánh những xu hướng mùa vụ.
“Lạm phát thấp có thể là một triệu chứng của những vấn đề kinh tế sâu sắc hơn đang ảnh hưởng tới Việt Nam, xuất phát từ những yếu kém chưa được khắc phục trong hệ thống ngân hàng và quá trình giảm nợ của các doanh nghiệp quốc doanh”.
Theo báo cáo, điều này lý giải vì sao GDP quý 1 giảm 4,6% so với quý trước, và tín dụng đi ngang trong 3 tháng đầu năm, sau khi chỉ tăng 9% trong năm 2012 và 12% trong năm 2011 so với mức tăng trên 30% mỗi năm trong suốt thập kỷ trước.
Với tình hình hiện nay, JPMorgan Chase dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm thêm 1% lãi suất điều hành trong năm nay để giữ mức lãi suất thực âm.
Một báo cáo khác đến từ ngân hàng ANZ cho biết, hầu hết các chuyên gia đã kỳ vọng lạm phát tháng 4 tăng do nhóm giao thông, nhưng điều này đã không xảy ra. Giá cả của nhóm giao thông chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4, so với mức tăng 5,3% trong tháng 3, bất chấp giá bán lẻ xăng tăng 6% vào cuối tháng 3 trước khi giảm 2% vào giữa tháng 4.
Trong thời gian tới, “chúng tôi dự báo lạm phát sẽ trung bình trong khoảng 6-8% trong năm nay… Với giá hàng hóa thế giới giảm, có khả năng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cắt giảm giá bán lẻ xăng dầu”, báo cáo viết.
Ngoài ra, theo ANZ, với lạm phát lương thực-thực phẩm thấp và các hoạt động kinh tế trong nước chậm lại kiềm chế giá cả của các nhóm hàng hóa dịch vụ khác, chỉ cần lạm phát của nhóm y tế được kiềm chế, là lạm phát chung của cả năm nay có khả năng sẽ ở mức cuối của khoảng dự báo mà ngân hàng này đưa ra.
Về cơ bản, ANZ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạ thêm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất vẫn có khả năng xảy ra, nhất là trong trường hợp các dữ liệu kinh tế xấu đi, và lạm phát giảm tốc nhanh hơn hiện tại.
Theo ANZ, việc hạ lãi suất có thể thúc đẩy nhu cầu tín dụng, nhưng sẽ không giúp nới lỏng sự thắt chặt nguồn cung vốn. Các chuyên gia của ANZ cho rằng, nút thắt vốn cần phải được giải quyết bằng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và giải trừ nợ xấu. Đây là những yếu tố chính tiếp tục cản trở tăng trưởng tín dụng.
“Mặc dù những biện pháp giải quyết những tồn tại này sẽ phải có thời gian để thẩm thấu trong nền kinh tế, điều quan trọng là các cải cách như vậy không rơi vào tình trạng đuối đi trong năm tới”, báo cáo khuyến nghị.