Trong suốt cả năm 2012, liên tiếp những thông tin liên quan đến các vụ thực phẩm bẩn, nhiễm độc bị phanh phui. Mỗi sự việc qua đi, người dân không khỏi hoang mang, các cơ quan quản lý lúng túng nhưng rồi một thời gian, sự việc đâu lại hoàn đấy. Còn người dân thì được kêu gọi phải trang bị kỹ năng để trở thành “người tiêu dùng thông thái’.
Quý 1 năm 2013 vừa hết, truyền thông thi thoảng lại rộ lên thông tin về những vụ ngộ độc thực phẩm từ những bếp ăn tập thể, gây hoang mang, lo lắng cho hàng triệu gia đình. Có lẽ bởi vậy mà tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay lấy chủ đề: “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể” nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người sản xuất, lưu thông thực phẩm với sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Sự xuất hiện tràn lan các loại thực phẩm bẩn trên thị trường đang khiến một bộ phận người tiêu dùng chỉ dám tin vào những loại lương thực, thực phẩm do chính mình và người thân nuôi trồng, chế biến; từ đó nghi ngại tất cả những thực phẩm bày bán trên thị trường. Không nghi ngại sao được khi thông tin về thực phẩm bẩn vẫn hàng ngày “bủa vây” người dùng: từ thịt lợn có chất tạo nạc, chất tăng trọng, thịt lợn tẩm hóa chất “phù phép” thánh thịt bò, rau quả nhiễm hóa chất bảo quản, giò chả có hàn the, cá biển ướp phân đạm…
|
Người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thực phẩm an toàn (Ảnh: NLĐ) |
Mỗi ngày đều có một lượng lớn thực phẩm hư hỏng, hôi thối được tiêu thụ trót lọt, được “phù phép” thành thực phẩm tươi ngon để đánh lừa người tiêu dùng. Có một thực tế là người tiêu dùng đang dần tẩy chay những thực phẩm không rõ nguồn gốc và không đủ độ tin cậy về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế đó cho thấy, những nhà sản xuất thực phẩm chỉ vì lợi nhuận đang tự tay đầu độc cộng đồng và tự hại mình khi bị người tiêu dùng quay lưng.
Lo ngại với thực phẩm không đáng tin cậy tại các chợ, nhiều người có thu nhập trung bình có xu hướng tìm đến với thực phẩm nhập khẩu với mong muốn tìm được những thực phẩm an toàn, nhưng rồi những vụ việc gần đây liên quan tới những lô hàng thực phẩm nhập khẩu bất hợp pháp qua biên giới như thịt bò Australia nhiễm khuẩn, hoa quả nhập khẩu tồn dư hóa chất… lại càng khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thực phẩm. Sự xói mòn niềm tin do thực phẩm bẩn trong tương lai có thể phương hại tới tính bền vững của những ngành sản xuất lớn trong chăn nuôi, trồng trọt vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Quá khó để buộc người tiêu dùng phải trở nên “thông thái” khi lựa chọn cái ăn cái uống cho gia đình mình. Họ buộc phải trông chờ vào các cơ quan chức năng nhưng những yếu kém trong khâu kiểm nghiệm hóa chất tồn dư trên thực phẩm của các phòng thí nghiệm hiện nay lại là điều đáng lo ngại. Phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm trong nước hiện nay chỉ kiểm soát được các hóa chất được biết đến trước đó chứ chưa thể nhận diện được các chất lạ khác không nằm trong tầm ngắm. Trong khi thực phẩm xuất khẩu đang chịu những lớp kiểm nghiệm khắt khe để phù hợp với yêu cầu của những thị trường nhập khẩu thì dường như thị trường tiêu thụ trong nước lại đang bị xem nhẹ.
Trong tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra từ 15/4- 15/5 năm nay, chỉ tiêu đặt ra là trên 80% chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Vẫn chưa thể yên tâm nếu 20% các chủ doanh nghiệp còn lại, nơi đặt niềm tin của hàng triệu người lao động chưa cam kết đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người dùng!
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những hóa chất tồn dư trong thực phẩm không an toàn có mức ảnh hưởng không chỉ cho một thế hệ. Có đáng đánh đổi không khi chỉ vì một chút lợi nhuận mà người kinh doanh lại cam tâm đầu độc người mua và chính gia đình, cộng đồng mình? Và có đáng không khi chính người sản xuất làm phương hại tới niềm tin tiêu dùng mà lẽ ra họ phải gìn giữ.