Xu hướng giảm nhẹ
Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh như chợ Bến Thành, Tân Định (quận 1), Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Trỗi (quận 3)... cho thấy một số loại rau tăng giá nhẹ, từ khoảng 500 đến 1.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, do thời tiết nắng nóng khiến cho các loại rau xanh kém phát triển, khó bảo quản, dẫn đến nguồn cung ít vì thế tăng nhẹ. Còn hầu hết các loại củ, quả khác như: cà rốt, su su, bắp cải... chuyển từ Đà Lạt xuống vẫn không tăng giá.
Trong khi giá các loại rau củ quả tăng nhẹ thì mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đã có chiều hướng giảm mạnh. Theo đó, thịt lợn ba chỉ, chân giò có giá 70 nghìn - 85 nghìn đồng/kg, sườn non 100 nghìn - 120 nghìn đồng/kg, thịt thăn bò 260 nghìn - 270 nghìn đồng/kg. So với thời điểm tháng 3, giá các mặt hàng này đã giảm từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Theo nhận định của tiểu thương chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn), do giá lợn hơi đang giảm nên khả năng giá thịt lợn thời gian tới cũng sẽ giảm thêm.
Trong khi đó, ghi nhận tại các chợ đầu mối như Bình Điền, Thủ Đức, sản lượng về chợ của các mặt hàng cũng không có biến động và giá cả cũng khá ổn định, thậm chí nhiều mặt hàng như củ, quả và hải sản đã giảm nhẹ. Theo đó, trong tuần đầu tháng 4, giá cả một số mặt hàng thủy hải sản như cá thu, tôm thẻ giảm thêm 10.000 đồng/kg, ốc hương giảm 15.000 đồng/kg; sò huyết, nghêu giảm 3.000-5.000 đồng/kg... vì hàng về chợ nhiều. Giá một số mặt hàng thịt gia súc, gia cầm bán chậm, nên giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng rau củ cũng giảm mạnh như bông cải, ớt xanh, củ hành trắng giảm 4.000 đồng/kg, bông hẹ giảm 7.000 đồng/kg, củ hành đỏ giảm 6.000 đồng/kg, nấm rơm giảm 10.000 đồng/kg, riêng rau tần ô tăng 5.000 đồng/kg. Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, sở dĩ giá các loại mặt hàng không tăng mà có chiều hướng giảm là do cước vận tải từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh không tăng, lượng hàng về chợ ổn định và sức mua có phần giảm.
Tại các siêu thị, điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ cũng ít biến động, thậm chí là giảm, do sức mua yếu. Đại diện siêu thị Big C cho biết, hiện giá rau củ quả bán tại siêu thị giảm đến 30%; giá thịt cá tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh ngọt giảm đến 35%.
Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, sau hơn một tuần xăng tăng giá, hiện giá hầu hết các mặt hàng rau củ quả, thịt cá tươi sống vẫn ổn định. Tuy nhiên, sở vẫn chỉ đạo các ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, khi thị trường có đột biến về giá sẽ đưa hàng bình ổn ra thị trường.
Vận tải vẫn giữ giá
Xăng, dầu là mặt hàng "nhạy cảm" đối với ngành vận tải, nhưng sau thời điểm giá xăng, dầu tăng vào cuối tháng 3, hầu hết các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa tính tới chuyện tăng giá để tránh... ế.
Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh Thái Văn Chung, cho biết, đa số các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đều sử dụng nhiên liệu bằng dầu đi-ê-den và chiếm 45% chi phí hoạt động, nên dù đợt này dầu tăng ở mức 362 đồng/lít cũng ảnh hưởng lớn đến ngành vận tải. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải trong hiệp hội vẫn chưa có thông báo nào về việc điều chỉnh giá cước. Hầu hết doanh nghiệp đang tìm nguồn thu khác để bù vào sự chênh lệch này.
Trong khi đó, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất là doanh nghiệp ta-xi, bởi đợt này giá xăng điều chỉnh tăng hơn 1.400 đồng/lít. "Đáng lý ra tới thời điểm này doanh nghiệp ta-xi phải tăng giá cước thêm khoảng 1.000 đồng/km, bởi đầu năm nay doanh nghiệp đã phải chịu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp ta-xi thuộc hiệp hội đã thống nhất không tăng giá cước ta-xi trong đợt này nhằm thu hút hành khách đi xe" - Chủ tịch Hiệp hội ta-xi TP Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ cho biết. Theo đó, để không tăng giá cước, hãng ta-xi Vinasun đã hỗ trợ khoản chi phí chênh lệch giá xăng tăng cho tất cả lái xe ta-xi. "Theo tính toán mỗi ca chạy, xe bảy chỗ phát sinh thêm khoảng 35.000 đồng tiền xăng và xe bốn chỗ là 30.000 đồng. Từ đó, công ty đưa ra mức hỗ trợ dao động từ 9.000 đến 16.000 đồng tùy vào cự ly ngắn dài khác nhau cho một ca kinh doanh/xe" - ông Hỷ cho biết.
Theo các doanh nghiệp ngành vận tải, trước mắt các doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa tăng giá cước và đều sử dụng nguồn quỹ để bù đắp vào khoản xăng tăng giá. Tuy nhiên, nếu xăng cứ giữ ở mức này hoặc biến động tăng tiếp thì các doanh nghiệp cũng buộc phải tính toán lại giá cước cho phù hợp với chi phí. "Hiện chúng tôi đang tính toán để cân đối và sức "chịu đựng" vẫn còn được, bởi tăng giá trong giai đoạn này càng gây khó khăn cho kinh doanh của doanh nghiệp hơn. Tuy nhiên, khi nào không còn sức "chịu đựng" thì bắt buộc chúng tôi phải có sự điều chỉnh giá" - một doanh nghiệp vận tải tuyến TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây cho biết.