Các chuyên gia cho rằng, cách làm khôn ngoan này cho thấy, hệ thống siêu thị tại Việt Nam “ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp”(?!).
Đồng loạt “ra đòn” hút khách
“Thời điểm hiện tại rất nhạy cảm, tiểu thương hay doanh nghiệp nào tăng giá tức thì ngay sau khi giá xăng tăng là tự hại mình. Vì việc giá xăng tăng đã khiến người tiêu dùng bức xúc nếu cùng lúc nhiều mặt hàng lại nhảy nhót giá thì sẽ bị người tiêu dùng “quay lưng” lại”.
Ông Vũ Vinh Phú
Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội
|
Hiện siêu thị Co.op Mart đang thực hiện cùng lúc 4 chương trình khuyến mại kéo dài đến hết ngày 3/5. Còn tại hệ thống siêu thị Big C cũng đang tiến hành hai chương trình khuyến mại kéo dài đến hết ngày 22/4. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại Big C cho biết: “Chúng tôi mong muốn mang đến những mặt hàng giảm giá hết sức ý nghĩa, góp phần chia sẻ gánh nặng về giá và kích cầu tiêu dùng trong thời điểm hiện tại”.
Hệ thống siêu thị Fivimart cũng đang tiến hành khuyến mại cho nhiều mặt hàng thực phẩm. Cụ thể như thịt cua đồng tinh chế 100g từ 18.200 đồng xuống còn 16.400 đồng; chả mực Hòn Gai 500g từ 103.500 đồng giảm còn 93.000 đồng; chả cá cao cấp 500g giảm từ 40.000 đồng xuống còn 36.000 đồng; cá basa philê 250g giá 20.500 đồng giảm 3.000 đồng…
Tại hệ thống bán hàng của Lotteria cũng tiến hành chương trình giảm giá từ 20 - 26% trong tháng 4 cho các sản phẩm trong tuần. Hãng sữa Celia Việt Nam triển khai chương trình "Trợ giá cho người tiêu dùng" trong tháng 4/2013.
Né lúc cao trào
Tìm hiểu thông qua chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng bán rau tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy rõ sự tăng giá quá bất hợp lý từ thị trường tự do. Chị Nguyễn Thị Hà giải thích: “Giá xăng tăng, chúng tôi nhập rau tăng thì cũng phải bán tăng để bù giá xăng chứ chẳng lẽ chịu lỗ à? Loại thì tăng thêm 500 đồng, loại tăng thêm 1.000 đồng/kg. Cao nhất là rau củ từ miền Nam tăng đến 5.000 đồng/kg”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi chỉ rõ với mức giá bán hiện tại chị đã tăng thêm từ 3.000 - 15.000 đồng/kg. Chẳng hạn ớt ngọt tăng từ 45.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; ớt cay từ 35.000 đồng/kg lên 50.000 đồng; củ dền từ 25.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg… Chị Hà phân bua: “Loại tăng thêm 15.000 đồng chủ yếu là rau củ nhập từ miền Nam, hiếm hàng lắm, giá cao nhiều người không dám nhập”(!?). Việc giải thích của chị càng lộ rõ việc tăng giá các mặt hàng ở đây hoàn toàn do chủ ý của chị thay vì thực tế thị trường.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng: “Thị trường tự do vẫn lộ rõ kiểu làm ăn chụp giật khi có dịp hoặc “sự cố”. Giá xăng tăng thêm hơn 1.000 đồng/lít không đến mức để các tiểu thương đội giá từng bó rau, cân thịt. Nếu phải đi tới 50 km thì cũng chỉ tiêu tốn thêm khoảng 3.000 đồng/ngày nhưng họ lại tăng giá từ 1.000- 5.000 đồng/kg là rất quá đáng”. Việc các siêu thị giữ giá và khuyến mại trong thời điểm thị trường tự do tăng giá càng thể hiện các siêu thị, nhất là các siêu thị hệ thống ngày càng thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong thương mại.
Một số chuyên gia được hỏi cũng cho rằng, theo quan sát khoảng 2 năm lại đây, hầu hết các siêu thị không tăng giá trong thời điểm nhạy cảm. Tuy nhiên, việc các siêu thị không tăng giá trong thời điểm hiện tại không đồng nghĩa với việc họ không tăng giá trong ít ngày tới. Việc “né” lúc cao trào cũng là một cách tốt để những siêu thị này giữ hình ảnh trong mắt người tiêu dùng. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ túi tiền của mình là người tiêu dùng hãy cảnh giác, luôn xem kỹ giá trước khi quyết định mua.