Giá các mặt hàng trên thị trường có xu hướng giảm đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và ổn định đối với các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng Ba vừa qua đạt hơn 211.300 tỷ đồng, giảm 0,64% so với tháng Hai vừa qua. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ba tháng đầu năm nay đạt hơn 636.160 tỷ đồng, tăng 11,66% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhóm khách sạn, nhà hàng và nhóm dịch vụ là những nhóm có mức tăng cao hơn cả (tăng trên 15%), nhóm có tỷ trọng cao nhất là thương nghiệp chỉ tăng 10,74% và nhóm du lịch chỉ tăng 3,96%. Như vậy, nếu trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý 1 năm nay chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Để bảo đảm cân đối cung cầu, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan, các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm tiếp tục bình ổn thị trường.
Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ được giao, triển khai các chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường (có 44/63 địa phương trên cả nước triển khai chương trình này).
Cùng với đó, Sở Công Thương các tỉnh chú trọng bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối trong việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng hóa tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Theo Vụ Thị trường trong nước, thời gian tới nhìn chung kinh tế trong nước vẫn tiếp tục còn những vấn đề quan ngại như sức mua trên thị trường tăng thấp, sản xuất kinh doanh còn tiếp tục khó khăn, thị trường bất động sản chưa khơi thông, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới đã và đang có chiều hướng tăng nhẹ…
Dự báo trong thời gian tới, một số mặt hàng quan trọng (than, điện) tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng cao hơn vào cuối tháng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Tuy nhiên do giá các mặt hàng thực phẩm, lương thực, hàng tiêu dùng tương đối ổn định, lãi suất ngân hàng đang giảm dần, tỷ giá ổn định nên thị trường hàng hoá nói chung sẽ ít biến động.
Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý cho phù hợp.
Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Nhà nước, thông tin chính xác diễn biến thị trường đến người tiêu dùng, nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân cùng các cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát giá cả, không để thông tin sai lệch gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân./.