Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, đây là tháng có chỉ số giá giảm đầu tiên sau ba năm liên tiếp có chỉ số giá tháng Ba tăng so với tháng Hai.
Báo cáo của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), trong quý I/2013, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 636,162 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức lưu chuyển này tăng 4,5%, thấp hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm trước.
Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng Ba, chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh, với mức giảm 0,53% (lương thực giảm 0,59%, thực phẩm giảm 0,95%); giao thông giảm 0,25%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ từ 0,04% đến 0,25%.
Về mặt hàng cụ thể, giá thực phẩm tươi sống giảm so với tháng Hai, như thịt gà ta giảm 10% - 20%, giá thịt bò, hải sản ổn định, riêng giá thịt lợn giảm nhẹ từ 5% - 10% (tương ứng giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg).
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng rau, củ, trái cây tiếp tục giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao so với tháng Hai. Nguồn cung dồi dào nên giá có xu hướng giảm, xu hào giảm còn 2.000 đồng/củ, bắp cải trắng 8.000 đồng/kg, rau cần, rau ngót các loại giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/mớ, cà chua, bí xanh giảm còn 10.000 đồng/kg…
Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2013 tăng 2,39% so với tháng 12 năm 2012 và tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm 2013 tăng 6,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, nguyên nhân chính dẫn đến CPI giảm trong tháng Ba là do sức mua của người dân sau Tết giảm, bên cạnh đó cũng có lý do mặt bằng giá tiêu dùng trước đó đã ở mức cao.
"Việc chỉ số giá tiêu dùng giảm không phải là điều quá lo ngại đối với điều hành kinh tế vĩ mô," ông Vỵ nói.
Phân tích diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng trong quý I/2013, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, hai tháng đầu năm lạm phát “bật” lên chủ yếu là do tháng Tết kéo dài, còn việc CPI giảm trở lại trong tháng Ba là theo quy luật tự nhiên do sức mua giảm và không quá bất thường.
Đồng quan điểm này, ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cũng chỉ ra nguyên nhân CPI giảm trong tháng Ba là do sức mua suy giảm.
"Nguyên nhân chính vẫn là do tổng cầu của nền kinh tế quá thấp, lòng tin vào nền kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc," ông Ruệ cho hay.
Để bình ổn thị trường những tháng tới, tại buổi sơ kết quý II/2013 của Bộ Công Thương sáng 1/4, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, không để tiểu thương găm hàng trục lợi./.