Hàng Tàu mượn thương hiệu Việt để móc túi người tiêu dùng
Ngày đăng: 01/04/2013
Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” đã bước sang năm thứ 4 và ít nhiều gây được ấn tượng với người tiêu dùng trong việc thay đổi thói quen mua sắm theo hướng ngày càng quan tâm đến các thương hiệu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng càng cẩn trọng bao nhiêu thì lại dễ bị “dính bẫy” nhiều hơn với những hàng Trung Quốc mượn danh hàng Việt.
Ai biết chắc những số hoa quả trên có xuất xứ từ đâu?
Chưa bao giờ thị trường trong nước lại xuất hiện nhiều hàng cửa hàng thời trang Made in Việt Nam đến như vậy, hầu như khu phố nào cũng có ít nhất 1-2 cửa hàng với biển hiệu na ná nhau và mặt hàng cũng giông giống nhau. Tuy nhiên, mỗi cửa hàng lại có một giá bán khác nhau. Cửa hiệu nào cũng khoe với khách là lô hàng xuất dư hoặc có vài lỗi nhỏ nên bị hãng trả về mới có giả rẻ. Song nếu tinh ý cũng sẽ thấy chất liệu, đường may cũng chẳng giống y hệt như hàng xuất xịn mà hàng xuất dư hay lỗi cũng chẳng thể nhiều đến nỗi hàng trăm cửa hàng lúc nào cũng sẵn đồ như vậy. Với người trong nghề thì đều biết rằng chỉ có một số cửa hàng made in Việt Nam có tên tuổi đăng ký thương quyền là có kinh doanh hàng Việt Nam gia công cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, còn phần lại đều là hàng trộm mẫu của hãng để may nhái, với giá chỉ bằng 1 nửa, thậm chí là 1/3 so với hàng của hãng. Thậm chí nhiều cửa hàng còn bày bán những sản phẩm bị cắt mác, nhãn hiệu với lý do hàng xuất trả về nên hãng cắt mác để không bị lợi dụng thương hiệu, thực chất đây là hàng nhập từ Trung Quốc được các chủ hàng nhập về đề trà trộn với hàng Việt Nam xuất khẩu và nếu khách nào tinh ý nhận ra thì chủ hàng cũng giải thích rằng đây là hàng Trung Quốc chất lượng cao xuất khẩu giống hàng Việt Nam. Vậy là thực chất người tiêu dùng phải trả tiền chất lượng cao nhưng chỉ nhận được hàng nhái, hàng chợ đồng loạt của Trung Quốc.
Tương tự như hàng may mặc và giày dép, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam cũng đang bị hàng Trung Quốc mạo nhận, mà càng hàng ngon, hàng đẹp thì càng bị mạo nhiều. Vậy nên dù người Việt Nam có ý tẩy chay hàng Tàu đi nữa thì cũng chưa chắc đã mua đúng hàng Việt Nam.
Mới đây, người tiêu dùng trên địa bàn TP HCM khá bức xúc khi phát hiện số cam Vinh đang rao bán trên thị trường với giá rẻ thực chất chỉ là cam Trung Quốc. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp nhãn hiệu “made in Vietnam” bị lợi dụng nhằm lừa dối khách hàng. Mà không chỉ Sài Gòn, ngay tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc, cam Trung Quốc giá rẻ chỉ khoảng 10-15 nghìn đồng/kg đội lốt cam đặc sản các vùng như Vinh, Hà Giang, Hải Dương và được bán với giá 30-50 nghìn đồng mỗi ký.
Tại khắp các chợ và cửa hàng bán lẻ hiện nay, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những sản phẩm “không rõ nguồn gốc”. Từ quần áo, giày dép, đồ da dụng cho đến hàng thực phẩm như rau, quả,… mọi thứ đều công khai một cách nhập nhằng. Hầu hết, các bà nội trợ đi mua hàng thường chỉ đặt “niềm tin” vào mắt thường và qua lời giới thiệu của người bán còn rất khó để phân biệt được đâu là hàng Việt giả, đâu là hàng Tàu đội lốt. Thậm chí, cho dù có biết chắc là hàng Trung Quốc đi nữa, thì cũng “tặc lưỡi” cho qua bởi tìm được hàng Việt thật rất khó.
Một số sản phẩm tiêu dùng khác thì cố gắng đánh lừa người tiêu dùng bằng cách dán nhãn bao bì là hàng hãng được sản xuất tại Trung Quốc hoặc hàng có thiết kế châu Âu/Mỹ/Nhật sản xuất tại Trung Quốc. Chiêu thức này chủ yếu được sử dụng với sản phẩm điện tử, điện lạnh và hàng máy móc gia dụng.
Không chỉ ngoài chợ, mà niềm tin mua được hàng Việt cũng bị giảm đáng kể tại các siêu thị. Gần đây nhất, sự việc “nho Việt Nam dán cờ Trung Quốc” đã bị khách hàng phát hiện tại Siêu thị Bigc gây nên một luồng phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Cho đến giờ, người tiêu dùng vẫn không hề biết số hàng trên có thực sự được trồng ở Ninh Thuận như khẳng định của nhà cung cấp hay không bởi không có cơ quan chức năng nào lên tiếng hay bắt tay vào tìm hiểu vụ việc.
Thực tế, không phải hàng Trung Quốc nào cũng xấu, cũng độc hại và không đảm bảo chất lượng. Có rất nhiều người vẫn yên tâm dùng hàng “made in China” bởi biết rõ nguồn gốc xuất xứ và phù hợp với yêu cầu của họ. Không phải người Việt nào cũng tẩy chay hàng Trung Quốc mà điều cốt yếu nhất là họ có quyền biết sản phẩm mà mình mua có xuất xứ từ đâu để quyết định lựa chọn. Điều này thì lại chẳng có người tiêu dùng nào có thể tự đi kiểm chứng được, mà phải cần tới trách nhiệm của các chuyên gia và cơ quan quản lý thị trường.
CÔNG TY CỔ PHẦN INTIMEX VIỆT NAM 96 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội Điện Thoại: 04 3 9423529 Fax: 04 3 9424250 E-mail: intimex@hn.vnn.vn Website: http://www.intimexco.com