CôngThương - CPI tháng 3 giảm đầu tiên sau 7 tháng
Thị trường hàng hóa sau Tết Nguyên đán và các dịp lễ, hội đã trở lại trạng thái bình thường. Nguồn cung dồi dào cộng với nhu cầu tiêu dùng giảm đã khiến giá lương thực, thực phẩm giảm. Nguyên nhân chính do giá lương thực, thực phẩm giảm đã khiến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước trong tháng 3/2013 sau 7 tháng đã giảm (kể từ tháng 7/2012), với mức giảm 0,19% so với tháng trước.
Theo quy luật thông thường các năm, CPI tháng sau Tết giảm. Tuy nhiên, năm nay khác với các năm trước là CPI tháng Tết Quý Tỵ đã không tăng cao do nguyên nhân chính là tổng cầu tiếp tục tăng chậm lại, thậm chí còn giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm trước và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong cơ cấu CPI tháng 3, nhóm giảm mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,53% do nhóm lương thực giảm 0,59%, nhóm thực phẩm giảm 0,95%; tiếp đến nhóm giao thông giảm 0,25%, nhóm đồ uống thuốc lá giảm 0,08%, bưu chính viễn thông giảm 0,05%; các nhóm còn lại tăng thấp, chỉ tăng 0,02- 0,25%.
|
Việc CPI tăng thấp trong 3 tháng đầu năm và có khả năng tăng thấp trong các tháng tới là điều kiện để giảm lãi suất huy động và cũng là cơ sở để hạ lãi suất cho vay, tăng tín dụng và kích cầu thị trường.
Mặc dù CPI tháng 3 giảm nhưng Tổ điều hành thị trường trong nước đánh giá- nhìn chung 3 tháng đầu năm 2013, thị trường hàng hóa diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.
Tháng 4 CPI có thể tăng nhẹ
Dự báo về các yếu tố tác động đến CPI tháng 4, các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước phân tích: trong thời gian tới, một số mặt hàng quan trọng (than, điện) tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng cao hơn vào cuối tháng trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5. Tuy nhiên, do giá các mặt hàng thực phẩm, lương thực, hàng tiêu dùng tương đối ổn định, lãi suất ngân hàng đang giảm dần, tỷ giá ổn định nên thị trường hàng hóa nói chung sẽ ít biến động.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Cục thống kê giá, Tổng cục Thống kê cũng lưu ý đến giá dịch vụ y tế và giáo dục. Nếu giá dịch vụ y tế và giáo dục không tăng đột biến thì CPI tháng 4 có thể không tăng hoặc tăng nhẹ. Hiện còn hơn 10 tỉnh chưa tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục, trong đó có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cần sự chỉ đạo điều hành thống nhất từ Chính Phủ
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tổ điều hành trong nước đề xuất: cần tiếp tục có sự chỉ đạo điều hành thống nhất từ Chính phủ về thời điểm, mức độ tăng học phí, viện phí nhằm giảm thiểu tác động đến CPI chung.
Đối với mặt hàng đường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường đường để kịp thời điều tiết việc xuất nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước trong những tháng giáp vụ. Đồng thời kiến nghị Ban Chỉ đạo 127/TW tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu ở biên giới Tây Nam và cửa khẩu Lao Bảo.
Để có cơ sở kiểm soát có hiệu quả giá cả các mặt hàng thiết yếu, Tổ điều hành trong nước cũng đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá.