Thị trường bán lẻ của Việt Nam có biểu hiện "suy sụp” trong những năm gần đây
Chưa như kỳ vọng
Sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng mở cửa sâu rộng hơn, đầy đủ hơn, hội nhập nhanh hơn vào thị trường khu vực và thế giới theo lộ trình cam kết khi chính thức gia nhập WTO. Minh chứng cho xu thế này là trong nhiều năm liên tiếp thị trường bán lẻ Việt Nam luôn nằm trong Top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, do những hạn chế về năng lực, về tính liên kết của các doanh nghiệp (DN) trong nước còn yếu, cùng với đó là chính sách định hướng chiến lược dài hạn của các cơ quan quản lý còn hạn chế… những điểm yếu này đã khiến thị trường bán lẻ của Việt Nam có biểu hiện "suy sụp” trong những năm gần đây. Chỉ trong năm 2012, hàng trăm DN bán lẻ trong nước đóng cửa. Từ việc luôn ở Top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, năm 2012, Việt Nam tụt hạng thảm hại khi "rơi tự do” xuống mức 32. Đánh giá về sự tụt dốc đáng buồn này, TS.Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã thẳng thắn: Chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm khắc, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều chưa phát triển như kỳ vọng, điều đó bộc lộ ở tính chuyên nghiệp yếu, kho tàng, bến bãi hết sức phân tán và hoạt động không hiệu quả, lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối rất kém… Ngoài ra, không ít ý kiến còn cho rằng, sở dĩ ngành bán lẻ Việt Nam "càng cạnh tranh càng thua” là bởi, trên thực tế có rất nhiều DN bán lẻ trên thị trường hiện nay là các DN tự phát, mà nhược điểm lớn của các DN này là họ chưa thực sự chú trọng đến chiến lược, kế sách kinh doanh khi bước vào sân chơi có tính cạnh tranh khá khốc liệt này.
Có thể thấy, những nhược điểm của thị trường bán lẻ đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ khá kỹ. Vấn đề đặt ra ở đây là khắc phục các nhược điểm ra sao để trong thời gian sớm nhất, Việt Nam lấy lại được vị trí top 10 trên bảng xếp hạng của Hãng tư vấn A.T.Keraney (Mỹ), nhưng quan trọng hơn, các nhà phân phối bán lẻ của Việt Nam có thể cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ nước ngoài ngay chính trên "sân nhà”, khẳng định được vị trí của mình trong thị trường nội địa?
Làm gì để "lột xác”?
Giới chuyên gia cho rằng, nhất thiết các DN trong nước cần phải khắc phục những nhược điểm nói trên, từng bước nâng cao năng lực quản trị, thay đổi tư duy bằng cách phát triển kinh doanh có chiến lược, tạo được sự liên kết mạng lưới rộng lớn…
Ở một khía cạnh khác, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, là người đề xuất thành lập Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, bản thân các DN Việt Nam cần phải nỗ lực cố gắng để phát triển hệ thống theo tiêu chuẩn hiện đại. Đánh giá về sự phát triển của hệ thống phân phối, bán lẻ của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là sau 5 năm gia nhập WTO, ông Tuyển cho rằng, bản thân các DN và Hiệp hội bán lẻ đã cố gắng nhưng chỉ tự thân DN vận động thôi chưa đủ, họ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Chúng ta đang nhìn thấy rõ sự ưu ái các DN nước ngoài hơn, chỉ đơn cử như việc phân cơ sở hạ tầng, các DN nước ngoài luôn được ưu tiên những địa điểm đẹp, thuận tiện cho việc kinh doanh hơn các DN trong nước. Và hàng loạt các ưu đãi khác, các DN FDI luôn nhận được phần hơn.
TS.Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, Nhà nước nên có những ưu đãi hơn cho ngành thương mại nói chung và phân phối bán lẻ nói riêng. "Chúng ta từ trước tới giờ ưu đãi cho sản xuất, điều này là đúng, vì không có sản xuất thì không có hàng hóa để phân phối bán lẻ nhưng nếu không có hỗ trợ bán lẻ thì làm sao sản phẩm sản xuất ra có thể đến người tiêu dùng”, bà Loan nhận định.
Tuy nhiên, không thể không nhìn ra, ngoài những nguyên nhân từ nội tại, sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới cũng đã tác động rất nhiều lên nền kinh tế Việt Nam nói chung và sự phát triển của thị trường bán lẻ nói riêng. Các DN bán lẻ Việt Nam do đó cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy của cuộc khủng hoảng.
Và với cục diện nền kinh tế thế giới vẫn còn đang bấp bênh, giới chuyên gia nhận định, cả năm 2013, thị trường sẽ chưa thoát khỏi khó khăn. Điều này cũng có nghĩa, ngay từ năm 2013, ngành bán lẻ Việt Nam chưa thể "lột xác”. Chỉ khi kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại vào 2014, tình hình tài chính toàn cầu ổn định mới là đòn bẩy tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Với những tiền đề này, các chuyên gia dự đoán, bắt đầu năm 2015, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh trở lại, "tiếp sức” ngành bán lẻ Việt Nam phát triển trong những năm tiếp theo.