Vì sao tụt hạng?
Trong nhiều năm liên tiếp, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn nằm trong top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tính đến hết năm 2012, cả nước có xấp xỉ 1.000 địa điểm bán lẻ hiện đại, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2009-2011, trước những khó khăn, thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng khích lệ. Năm 2011, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2004,4 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm trước. Năm 2012, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ cũng đã đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011.
Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng bộc lộ không ít những hạn chế. Đó là quy mô thị trường nhỏ, sức mua yếu, phương thức chủ yếu là bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% trên cả nước. Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn yếu về nhiều mặt, trong đó là hạn chế về năng lực tài chính và sự liên kết của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này. Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp bán lẻ với nhau vẫn còn diễn ra… Những hạn chế này đã làm cho thị trường bán lẻ của Việt Nam sau thời gian tăng trưởng mạnh đang dần có những biểu hiện suy giảm. Đáng chú ý, chỉ trong năm 2012, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ trong nước đóng cửa. Từ chỗ là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới vào năm 2008, đến năm 2010 chỉ còn đứng ở vị trí thứ 14 và năm 2012 Việt Nam đã tụt hạng xuống mức 32.
Cơ hội lớn
Theo các chuyên gia, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn do đông dân, sức mua cao, và cũng chính là tiềm năng lớn để tiếp tục thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam tăng tốc. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển bền vững, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định về ưu đãi, quản lý cơ sở bán lẻ chặt chẽ hơn để nhà đầu tư an tâm hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong xu hướng phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế...
Theo dự báo của các chuyên gia, với cơ cấu dân số trẻ chiếm khoảng 50% tổng dân số của cả nước, nên thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Song, để khai thác được tiềm năng này, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với nhau để tạo nên những doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao và tạo ra nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, với tiềm năng sức mua lớn, kênh phân phối bán lẻ ở Việt Nam cũng sẽ còn nhiều cơ hội để phát triển bởi hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20%, chính vì thế cơ hội khai thác thị trường này còn rất lớn. Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ này lên 45%. Vì thế đây cũng là cơ hội để ngay từ trong năm 2013, các nhà bán lẻ chuẩn bị về mọi mặt như tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực… để chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
Đáng chú ý là trong năm 2013, với hàng loạt giải pháp về tài chính, trong đó, nổi bật nhất là mặt bằng lãi suất đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận được với nguồn vốn rẻ từ đó phát triển, từng bước mở rộng năng lực hoạt động, nhất là về khu vực nông thôn...
Mục tiêu phát triển bền vững
Một trong những mục tiêu quan trọng của thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, để làm được điều này, theo các chuyên gia, về phía các nhà quản lý cần phải tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia. Đẩy mạnh cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch trong thể chế chính sách và các thủ tục hành chính… có như vậy, mới góp phần minh bạch hóa và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp có môi trường hoạt động tốt hơn.
Đối với doanh nghiệp, muốn phát triển bền vững, một trong các yếu tố quan trọng là cần tăng cường và nâng cao chất lượng hàng hóa, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, chú trọng hoạt động xây dựng thương hiệu… Cùng với đó, cần hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa; đẩy mạnh sự liên kết giữa các nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối và giữa các nhà phân phối với nhau để từng bước phát triển thành các tập đoàn thương mại lớn với hệ thống phân phối hiện đại có tính toàn cầu.
Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc gia, chú trọng các khu vực thị trường tập trung đông dân cư; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển thương mại nói chung và hoạt động bán lẻ nói riêng… có như vậy mới từng bước hình thành thị trường bán lẻ quy mô và hiện đại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, phát triển mô hình bán lẻ hiện đại kết hợp với mô hình bản lẻ truyền thống được coi là giải pháp để tạo ra kênh phân phối hữu hiệu cho hàng Việt.