Chỉ số giá quay đầu giảm 0,19%, trong tháng 3, chứ không phải nhích nhẹ như cùng kỳ những năm trước, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: "Điều này cho thấy sức mua đã giảm rất nhiều".
2 tháng đầu năm, do trùng vào dịp Tết dương lịch và âm lịch, nhà nhà sắm sửa đón năm mới nên giá cả nhích lên một chút vẫn có người mua. Sang tháng 3, khi yếu tố đột biến qua đi, cung cầu không còn chênh lệch lớn mà giá cả giảm mạnh cho thấy người dân dè dặt trong chi tiêu. Theo ông Doanh, đây là một trong những nguyên nhân đẩy CPI xuống mức âm, chứ không phải mặt bằng giá đã rẻ hơn trong điều kiện kinh tế bình thường.
"CPI giảm chưa phải tín hiệu mừng. Không nên chỉ căn cứ vào yếu tố này để lạc quan tếu, cho rằng người dân hưởng lợi từ giá cả giảm. Thực chất, cầu yếu nên giá buộc phải hạ để bán được hàng", ông Doanh cho hay.
Thừa nhận mặt tích cực trong điều hành của Chính phủ như chưa cho tăng giá xăng dầu góp phần quan trọng kết thúc chuỗi tăng CPI kéo dài 9 tháng, song, ông Doanh e ngại các yếu tố cấu thành trọng yếu trong chi phí sản xuất như điện, xăng khó giữ mức giá như hiện tại được lâu. Nguyên nhân do giá xăng thế giới có chiều hướng đi lên mà quỹ bình ổn trong nước có giới hạn. Áp lực tăng giá điện thời gian tới cũng không nhỏ khi tình hình điện cho mùa khô năm nay căng thẳng, chưa kể ngành này đề xuất dùng dầu DO để sản xuất thay cho than, khí nên giá thành sẽ bị đẩy lên cao... Chỉ số giá các tháng sau có thể không còn giảm như tháng 3.
Giá tiêu dùng giảm trong tháng 3 chủ yếu do sức mua kém.
|
Cùng chung nhận định, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, điểm hơi khác thường là CPI tháng 3 năm nay âm trong khi cùng kỳ các năm trước, phần lớn là dương. Hơn nữa chỉ số giá tháng 3 giảm trong bối cảnh CPI tháng 2 (là tháng mà Tết Nguyên đán nằm trọn trong đó) không quá cao (1,32%). Điều này cho thấy tổng cầu của nền kinh tế và sức mua hiện vẫn rất thấp.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu CPI năm 2013 khoảng 6,5%, theo ông Phương, không phải điều dễ dàng. Các địa phương chưa tăng giá dịch vụ y tế vừa qua (trong đó có 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM) sẽ tiếp tục tăng giá từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, giá điện nhích lên theo lộ trình. Giá xăng dầu hiện vẫn chưa tăng trong khi giá thế giới vừa qua tăng đáng kể. Không loại trừ khả năng sẽ phải tăng giá xăng dầu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giá hàng hóa thế giới ít nhiều biến động trong năm 2013 sau khi các quốc gia tung ra các gói kích thích kinh tế vào cuối năm 2012. Điều này sẽ tác động lên giá cả của Việt Nam vì nước ta là nước nhập khẩu lớn nguyên vật liệu đầu vào từ thị trường thế giới. Do vậy việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ cần rất quyết liệt để đảm bảo đạt được mục tiêu lạm phát đề ra.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lưu ý, sức mua giảm mạnh trong khi tồn kho nhiều nên chuyện giảm giá là đương nhiên. Tuy nhiên, ông kiến nghị các Bộ ngành cần vào cuộc làm rõ việc giá cả đi xuống xem có nguyên nhân lớn bởi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng Trung Quốc. Thời gian qua, giá nhiều nông sản, gia cầm Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam bán với giá rẻ mạt, giết chết nhiều đơn vị kinh doanh trong nước. Như vậy, giá giảm ở đây không chỉ do cầu thấp mà còn vì cạnh tranh không lại với bên ngoài, dẫn tới hình thành mặt bằng giá rẻ hơn trước.
Ông đặt câu hỏi CPI giảm là tín hiệu mừng đối với nền kinh tế tăng trưởng quá nóng nhưng tình cảnh trong nước hiện nay người lao động thất nghiệp hàng loạt, doanh nghiệp phá sản khắp nơi. Giải pháp đặt ra phải làm sao tránh vòng lẩn quẩn kích thích tăng trưởng, nới tín dụng dẫn tới lạm phát cao, khi đó lại thắt chặt, hạn chế tín dụng...
Không bất ngờ việc CPI giảm trong tháng 3, song Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng đây là cơ sở quan trọng xem xét hạ lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
Ông Ánh phân tích, các yếu tố kìm hãm tốc độ tăng giá trong năm 2013 khá tương đồng với năm ngoái, cũng vẫn là sức mua kém, cầu đầu tư giảm, tiêu dùng tăng chậm. Lạm phát năm nay có thể dưới 7% cho nên lãi suất huy động có cơ hội xuống dưới mức 8% và nguồn vốn cho kinh doanh sẽ rẻ hơn hiện tại. "Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tình hình thực tế, nếu cầu vẫn ở mức thấp, dù lãi vay có giảm mạnh đi nữa, doanh nghiệp cũng không dám đụng đến", ông nói.
Giảm 0,19% trong tháng 3, nhưng tính chung 3 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 2,39%. Trong tháng cuối của quý I, có 4 nhóm hàng ghi nhận chỉ số giá giảm. Trong đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,53%, giao thông hạ 0,25%. Đây đều là những nhóm tác động mạnh tới CPI tháng trước do trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu ăn uống và đi lại gia tăng. |