Nhìn thấy tiềm năng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 tăng 1,05% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, năm 2012 tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011.
Trong đó, kinh doanh thương nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 14,8%; khách sạn nhà hàng đạt 273.200 tỷ đồng, tăng 17,2%;
|
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Citimart Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TPHCM.
|
dịch vụ tăng 19,6%; du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ nhất nhưng tăng mạnh tới 28,1%. Những con số này phần nào cho thấy ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khá dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua của người tiêu dùng có phần giảm sút.
Và đặc biệt nó khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước tạm quên đi sự tụt hạng nhanh chóng của thị trường bán lẻ Việt Nam khi rời khỏi top 30 trong bảng xếp hạng của hãng tư vấn A.T. Kearney (Hoa Kỳ) trong năm 2012.
Hầu hết các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào một thị trường với 90 triệu dân, trong đó dân số trẻ, những người thường xuyên mua sắm trong các kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 50%.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nói: “Kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20%, chính vì thế cơ hội khai thác thị trường này còn rất lớn. Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ này lên 45%. Những khó khăn của năm 2013 chắc sẽ không làm nản lòng các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ”.
Thực tế đã chứng minh điều này. “Kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu tiêu dùng luôn tồn tại. Cái quan trọng là mình biết kích cầu tiêu dùng. Thêm nữa, nếu không nhanh chân đón đầu, các nhà bán lẻ trong nước sẽ bỏ mặc thị trường cho các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm trong bán hàng, tính chuyên nghiệp trong kinh doanh bán lẻ… chiếm lĩnh” - bà Nguyễn Phương Thảo, đại diện Maximark, cho hay.
Tăng tốc mở rộng
Không đứng ngoài cuộc chơi, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đang từng bước mở rộng hệ thống chuỗi của mình. Chỉ trong vài tháng cuối năm, 2012 Viễn Thông A đã cho ra mắt 9 trung tâm smartphone và theo chia sẻ của bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A, trong năm 2013 Viễn Thông A sẽ phát triển các trung tâm này thành hệ thống lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ đã kéo theo sự tham gia của một vài cái tên mới. Như siêu thị S.Mart của tập đoàn C.T Group đã khai trương vào những ngày cuối tháng 12-2012. Và dự kiến trong năm 2013 C.T Group phát triển mạnh hệ thống siêu thị này trên toàn quốc. Và xu hướng phát triển ngành bán lẻ ra vùng ven đã và đang được các nhà bán lẻ chú trọng.
Tiêu biểu cho hướng đi này có thể nói đến hệ thống siêu thị Co.opmart. Theo kế hoạch, đến năm 2015 Co.opmart sẽ phát triển chuỗi siêu thị trên cả nước lên con số 100. Ông Nguyễn Thành Nhân, đại diện Saigon Co.op, chia sẻ: “Ngành bán lẻ Việt Nam đang trên con đường phát triển mạnh mẽ, chính vì thế doanh nghiệp phải liên tục nắm lấy cơ hội”. Sức hấp dẫn của thị trường còn được thể hiện bằng những con số đầu tư không nhỏ mà các nhà đầu tư nước ngoài quyết định rót vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Lotte Mart tăng số vốn đầu tư vào Việt Nam lên 50 triệu USD. Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) cũng có một kế hoạch đầu tư không nhỏ vào Việt Nam. Dự án đầu tiên là trung tâm mua sắm rộng 82ha tại khu phức hợp Celadon City ở quận Tân Phú, TPHCM, vốn đầu tư 109 triệu USD dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2014. Aeon Vietnam sẽ khai trương trung tâm thứ hai vào cuối năm 2014 tại TPHCM và trung tâm thứ ba tại Hà Nội vào năm 2015.
Việc mở rộng đầu tư trong năm 2013 và những năm tiếp theo của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang trở thành minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam với mức tăng doanh số bán lẻ khoảng 23%/năm. Tất nhiên, khó khăn với các nhà bán lẻ trong năm 2013 không phải không có. Nhưng khi quyết định mở rộng hẳn các nhà bán lẻ đã tìm ra cho mình một phần câu trả lời nhằm kích cầu tiêu dùng.