Lạm phát đã được kiềm chế?
CPI tháng 3 giảm và 3 tháng đầu năm tăng thấp do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do sản lượng lương thực năm trước đạt kỷ lục cao, mặc dù xuất khẩu đạt kỷ lục nhưng giá xuất khẩu giảm 11%; năm nay mới qua 2 tháng rưỡi đã xuất khẩu lên 1,24% triệu tấn, nhưng giá xuất khẩu giảm 13,5% so với cùng kỳ, trong khi lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch rộ, với ước tính năng suất, sản lượng tăng so với vụ đông xuân trước. Có nguyên nhân do tổng cầu ở trong nước bị "co lại" khi mà vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước sau 2 tháng còn đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch cả năm (10,5%); giảm sâu so với cùng kỳ năm trước (tổng vốn giảm 8,5%, riêng phần do T.Ư quản lý còn giảm tới 29,9%).
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân) thì chỉ tăng 3,6%, khá thấp so với nhiều năm trước. Có nguyên nhân từ yếu tố tiền tệ. So với cuối năm trước, trong khi tăng trưởng huy động đạt 2%, thì tăng trưởng tín dụng lại giảm 0,28%...
Diễn biến CPI trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm đã cho thấy, lạm phát đã được kiềm chế. Việc kiềm chế lạm phát đã phát đi nhiều tín hiệu. CPI từ tháng 3 đã bước vào những tháng giảm và tăng thấp (có thể đến tháng 8). Đây là tín hiệu vui cho người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, người có thu nhập bằng tiền cố định. Đây cũng là tiền đề để Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, vừa để ổn định lòng tin vào đồng tiền quốc gia, hạn chế tình trạng đô la hoá, vừa để tránh tác động tiêu cực của chi phí đẩy đối với lạm phát, tránh làm khuếch đại lạm phát ở trong nước, vừa để tăng dự trữ ngoại hối. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại có điều kiện hạ lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.
CPI 3 tháng qua cũng là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách, quản lý, điều hành vĩ mô có thể mạnh tay hơn trong việc xử lý các điểm nghẽn hiện nay (nợ xấu, tồn kho, bất động sản đóng băng), thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, tái cơ cấu ngân hàng, thực hiện 3 đột phá chiến lược; mạnh tay hơn trong việc cắt giảm, giãn hoãn một số loại thuế, phí...
Vẫn cần thận trọng với những thách thức cũ
CPI tháng 3 và 3 tháng tăng thấp cũng đặt ra một số vấn đề đáng lưu ý khi mà tổng cầu tiếp tục bị suy giảm mà hiệu ứng của nó là suy giảm tăng trưởng tín dụng. Điều này cho thấy việc khắc phục các điểm nghẽn của nền kinh tế bị chậm (nợ xấu, tồn kho, bất động sản), tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Việc thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng, thực hiện 3 đột phá chiến lược khởi động chậm trong các năm trước, năm nay tiếp tục bị chậm.
CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm trong 10 năm qua (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tồn kho cao không phải do sản xuất tăng, mà có một phần quan trọng do thu nhập, sức mua của người dân tăng chậm. Nợ xấu tăng do lãi suất cao, do tồn kho lớn, do giá, tài sản bị giảm. Bất động sản sau một thời gian "tụt dốc" nay xuất hiệu tâm lý chờ đợi của cả 2 phía: Nhà đầu tư chờ đợi được "cứu", người có nhu cầu thực chờ cho giá giảm xuống nữa mới mua. Sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, khi số doanh nghiệp bị ngừng hoạt động lên đến 8.600 doanh nghiệp (nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới)...
Một vấn đề khác là khi CPI tăng thấp thường dễ chủ quan, lơ là với lạm phát. Chính vì thế hiện vẫn rất cần cẩn trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhất là hạ lãi suất huy động, tăng dồn dư nợ tín dụng, xử lý các điểm nghẽn, nhất là xử lý nợ xấu, bất động sản...; Cẩn trọng đối với việc điều chỉnh tỷ giá vì những biến động của nó sẽ tác động đến nhiều mặt; Cẩn trọng đối với việc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ theo cơ chế thị trường cả về liều lượng, thời điểm...
Cùng với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, vẫn phải kiên định và nhất quán đối với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.