Từ đầu năm đến nay sữa liên tục tăng giá và tăng cao trong tình hình khó khăn hiện nay đột nhiên các hãng sữa thi nhau tăng giá khiến người dân chóng mặt. Tuy nhiên những lý do đưa ra, nhiều người tiêu dùng cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ hơn bởi sữa là thực phẩm thiết yếu tránh tình trạng tăng giá bất thường.
Cụ thể, giá sữa Fiso Gold 1 hộp 900g giá 498.000 đồng/hộp tăng 41.000 đồng. Fiso Gold 3 loại 1,5kg từ 621.000 đồng lên 670.000 đồng. Abbott Grow 1 loại 400g từ 151.000 đồng/hộp lên 158.000 đồng/hộp. About Grow 2 loại 900g tăng 38.000 đồng/hộp từ 284.000 đồng/hộp lên 312.000 đồng/hộp. Frisolac Gold 1 loại 900g tăng từ 415.000 đồng lên 430.700 đồng/hộp.
Một số sản phẩm của Aboot khác như Similac IQ loại 900g từ 478.000 đồng/hộp lên 521.000 đồng/hộp, Ensuare Gold 3 loại 900g có giá 658.000 đồng, tăng 48.000 đồng/hộp.
Trong đợt tăng giá sữa lần này có cả sữa nội, cuối tháng 2-2013, Vinamilk tăng giá một số sản phẩm 7%. Từ ngày 1-3-2013, Cty Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm sữa Friso và Dutch Lady từ 8-9%, hãng sữa Abbott cũng tăng giá từ 2-9% các sản phẩm sữa. Từ 18-3, hãng sữa nội là Nutifood cũng tăng giá trung bình 10%.
Từ trước đến nay người Việt vẫn có tâm lý sính ngoại mặc dù sữa nội được quảng cáo chất lượng không hề thua kém sữa ngoại, tuy nhiên việc các hãng sữa nội cũng tăng giá cùng thời điểm sữa ngoại cũng khiến người tiêu dùng lại phải đắn đo suy nghĩ.
Chủ cửa hãng sữa Liên Đạt trên phố Bạch Mai cho biết từ ra tết đến nay sữa tăng giá đồng loạt nên người mua ai cũng thắc mắc, phàn nàn rằng đồng lương eo hẹp mà tự dưng sữa cứ tăng giá chóng mặt thế này thì không biết phải làm thế nào. Chị Liên cũng cho biết, sữa nội tăng giá nên sức mua cũng giảm hơn. Họ phàn nàn về giá chứ chất lượng thì không nói gì.
Có mặt tại cửa hàng trên, chị Mai ở Trương Định khá bức xúc, chị cho biết, lần nào cũng thấy tăng giá vì nguyên liệu đầu vào tăng, mà cứ thấy tăng chứ chưa bao giờ giảm, không biết còn định tăng giá bao nhiêu lần nữa đây.
"Gía nhập vào tăng nên chúng tôi cũng chỉ biết tăng giá bán, mặc dù tăng nhưng cũng phải chấp nhận cho con uống vì con nhỏ không thể không có sữa", chị Mai than phiền.
Như vậy tính từ đầu năm đến nay có hai đợt tăng giá, tổng cộng lên tới 20%.
Trao đổi với phóng viên, đại diện truyền thông Vinamilk cho biết việc tăng giá sữa từ ngày 17.02.2013 là do Vinamilk buộc phải điều chỉnh giá bán một số nhóm sản phẩm khoảng 7% để bù đắp một phần chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đã tăng hơn 20% từ giữa năm 2012 – là yếu tố gây áp lực lên chi phí sản xuất của Vinamilk.
Tuy nhiên, đối với những mặt hàng hiện đang tham gia bình ổn giá từ ngày 01.04.2012 như một số loại sữa nước, sữa bột cho trẻ em, người già và người bệnh, Vinamilk chưa điều chỉnh và vẫn thực hiện đúng theo cam kết của chương trình bình ổn giá cho tới 01.04.2013.
Đại diện Vinamilk cũng cho biết trong năm 2012 Vinamilk tham gia bình ổn, không tăng giá, khi đó các sản phẩm sữa bột nhập khẩu khác tăng nhiều lần.sau một năm cố gắng duy trì giá bán ổn định cho người tiêu dùng.
Trong năm 2013, giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn 15%, vì vậy việc tăng giá lần này không đáng kể và nhằm giúp cho Vinamilk tăng sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu khác.
Trong khi sữa bột "buộc phải tăng giá" vì nguyên liệu nhập khẩu, đại diện TH True milk, DN đang phát triển thị phần sữa tươi cho biết do đơn vị kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, với gần 30 nghìn con bò, 10 nghìn con cho sữa nên mỗi ngày cho ra 300 nghìn tấn sữa tươi.
"Khác với các nhà nhập khẩu là TH không phụ thuộc vào những vấn đề nhập khẩu, chúng tôi sản xuất bắt đầu từ những trồng cỏ, nuôi bò từ trang trại của chúng tôi, chế biến rồi cung cấp các loại sữa ra thị trường...nên cho đến thời điểm này cũng chưa có lý do gì để tăng giá".
"Những yếu tố đầu vào ngày càng ổn định và kiểm soát nên chi phí sẽ ngày càng giảm hơn thì người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn hợp lý để vừa cân nhắc được việc lựa chọn chất lượng cho sữa và phù hợp túi tiền của mình", đại diện TH True milk nói.