Báo cáo mới đây của Cục thống kê ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả hai địa phương này trong tháng 3 đều giảm mạnh so với tháng trước và được ghi nhận là mức thấp nhất trong tất cả các tháng 3 kề từ năm 2008. Cụ thể, CPI của TPHCM tháng 3 giảm 0,29% so với tháng trước và tăng 1,15% so với tháng 12/2012. Trong khi đó, tại Hà Nội, CPI tháng 3 giảm 0,21% so với tháng 2 và vẫn tăng 2,04% so với tháng 12/2012. Số liệu thống kê cho thấy các nhóm hàng lương thực, thực phẩm đều giảm mạnh và đã dần quay lại mức giá như thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho biết trong những tuần vừa qua tại các chợ lẻ chỉ có giá các loại rau xanh là có chiều hướng giảm so với thời điểm cận Tết, còn các loại thịt lợn, thịt bò, cá, nước mắm, dầu ăn...vẫn giữ ở mức giá cao và chưa thấy có dấu hiệu “giảm giá”.
Giải thích cho tình trạng đi xuống mạnh mẽ của CPI, Cục Thống kê Hà Nội cho rằng điều này không có gì bất ngờ và phù hợp với quy luật chung CPI: thường giảm sau Tết do sức mua giảm. Tuy nhiên, dường như lý do mà Cục Thống kê đưa ra vẫn còn quá chung chung và chưa thực sự chỉ ra được đâu là nguyên nhân cốt lõi kéo CPI của hai trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam này sụt giảm.
Một thực tế dễ nhận thấy là sau một thời gian dài bị đóng băng, những tháng sau Tết, thị trường bất động sản vẫn chưa có gì khởi sắc, thậm chí là tiếp tục trượt dài trên đà ế ẩm. Thiếu niềm tin vào thị trường bất động sản, các nhà đầu tư không còn mặn nồng với thị trường này nữa khiến hàng loạt các dự án xây dựng bị đình trệ. Mặc cho giá bất động sản từ trong Nam ngoài Bắc đã liên tục cắt giảm trong thời gian qua, cùng với đó là những cam kết từ phía ngân hàng về việc nới lỏng tín dụng bất động sản, nhưng càng giảm giá mạnh người dân lại càng hồ nghi và cứ thế bất động sản càng ngày càng tiến sâu hơn vào hố sâu khủng hoảng “niềm tin”.
Sau “cái chết đứng” của bất động sản, ngành kinh doanh vật liệu xây dựng cũng buộc phải chịu chung số phận. Kinh tế khó khăn nên người dân cũng tạm gác việc xây mới hay xây nhà lại, vì thế thị trường vật liệu xây dựng đầu năm 2013 vẫn tiếp tục chìm đắm trong tình cảnh ảm đạm, ế ẩm. Số liệu thống kê của Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam công bố hồi đầu tháng 3 cho thấy do khủng hoảng kinh tế tài chính, nhu cầu xi măng nội địa trong 3 năm 2011-2012 sẽ giảm khoảng 14-15 triệu tấn, và ước tính đến năm 2015, tổng công suất của các nhà máy xi măng sẽ đạt 94,24 triệu tấn, thừa 25 triệu tấn.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng gặp khó khăn mà thực tế các doanh nghiệp nói chung đều phải đối mặt với những thách thức từ suy thoái kinh tế. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2013 sẽ tiếp tục là một năm kinh tế đầy khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới quyết định lương thưởng cho nhân viên. Và đương nhiên, với quỹ lương hạn hẹp, đương nhiên người tiêu dùng sẽ phải thắt chặt hầu bao, hạn chế chi tiêu và sử dụng các dịch vụ ăn uống bên ngoài.
Ngoài ra, xét về rổ hàng hóa tính giá, ngoài nhóm giá cả lương thực phẩm đang giảm và dần trở lại mức ổn định, thì các rổ hàng hóa khác liên quan đến các phương tiện đi lại như ô tô thực tế lại gặp biến động lớn trong tháng 3 khi thị trường ô tô gần như đông cứng lại trước giờ thông tin chờ giảm thế trước bạ và thuế sang tên.
Như vậy, có thể thấy việc CPI của Hà Nội và TPHCM giảm mạnh trong tháng 3 không đơn thuần chỉ theo yếu tố lịch sử như cục Thống kê giải thích mà nó xuất phát chủ yếu từ những chính sách và tình trạng của nền kinh tế. Và cho dù CPI của Hà Nội và TPHCM có đạt mức thấp nhất trong tháng 3 này, thì đây cũng chưa hẳn là một tín hiệu vui của nền kinh tế bởi nó có thể là dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế ảm đạm hơn, thu nhập của người lao động ngày càng bị cắt giảm, sức mua yếu và tình hình sản xuất của doanh nghiệp thì càng khó khăn hơn.