Chịu tác động mạnh từ đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/4, phần giảm nhẹ của lần giảm giá ngày 9/5 đã không đủ bù đắp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2012 nhiều khả năng sẽ phá vỡ xu hướng giảm tốc của 3 tháng trước để tăng tốc trở lại.
Theo tính toán từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt, NDHMoney dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2012 sẽ tăng khoảng 0,15%.
Mặc dù đã có sự tăng tốc trở lại, nhưng xét trong chuỗi số liệu cùng tháng, CPI tháng 5 tăng thấp nhất kể từ năm 2004 đến nay. Mức tăng thấp cũng cho thấy, tổng cầu vẫn còn giảm, tiếp tục là yếu tố kiểm soát mặt bằng giá chung trong mấy tháng gần đây.
Theo tổng hợp của NDHMoney, kể từ giữa tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành thành công trên 80 nghìn tỷ đồng tín phiếu. Đáng chú ý là lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vừa có đợt giảm mạnh, tại ngày 9/5 chỉ ở mức 2,5-3%/năm.
Động thái gần đây trên thị trường tiền tệ cho thấy, tình hình thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng khá tốt. Hôm 9/5, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại yếu kém.
Một báo cáo vừa được Bộ Tài chính công bố mới đây cũng cho biết, tổng doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ trong quý 1/2012 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011. Tham khảo khác là chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến tại thời điểm 1/4/2012 tăng 32,1% so với năm trước.
Tác động lên lạm phát, NDHMoney đặc biệt lưu ý một số nhóm sẽ có khả năng ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng tháng này, đó là lương thực, thực phẩm; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; văn hóa, giải trí và du lịch; may mặc, mũ nón, giày dép.
Trong khi hai nhóm đầu có tác động kìm hãm lạm phát, các nhóm sau tác động ngược lại.
Việc giá gạo giảm do xuất khẩu khó khăn, tồn kho lớn; cũng như thịt lợn còn khó bán đã tác động giảm chỉ số giá lương thực, thực phẩm. Tương tự, giá gas cũng trong xu hướng giảm, ảnh hưởng đến chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, đợt tăng giá xăng dầu rất mạnh ngày 20/4 ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tháng này, dù được hạn chế bởi lần giảm giá ngày 9/5 nhưng tác động tiêu cực vẫn còn. Theo tính toán, riêng nhóm giao thông có thể góp khoảng 0,1% vào chỉ số giá chung trong tháng này.
Ngoài ra, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cũng góp phần làm tăng chỉ số giá nhóm văn hóa, du lịch, giải trí; may mặc, mũ nón, giày dép; và ăn uống ngoài gia đình. Một số dịch vụ khác cũng tăng giá trong dịp này.
Về cơ bản, chỉ số giá tháng này vẫn bị ảnh hưởng chủ đạo bởi đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 20/4. Đây là nguyên nhân bao chùm, dẫn tới việc phá vỡ xu hướng giảm tốc đạt được 3 tháng trước.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu mới đây, cũng như tác động từ đợt tăng lương vừa qua dự kiến sẽ ảnh hưởng sớm đến nhóm dịch vụ y tế, sẽ còn tiếp tục làm thay đổi các dữ kiện đầu vào tác động đến CPI tháng này.