Đầu tuần, giá tiêu kỳ hạn thế giới tại thị trường Kochi-Ấn Độ tiếp nối đà suy giảm bắt đầu có từ tuần lễ cuối tháng 3. Ngoài ra, việc điều tra về một số hợp đồng được cho là “gây rối loạn thị trường” và sự áp đặt một loạt các biện pháp kiểm soát mới của Ủy ban Thị trường kỳ hạn (FMC) khiến một số nhà đầu cơ vội vàng thanh lý và rút lui khỏi thị trường cũng làm giá rớt.
Tuy nhiên, tại phiên giao dịch ngày thứ Bảy cuối tuần 5/5 đóng cửa sớm, giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX Ấn Độ gần như đã vượt qua sự e ngại để tìm lại mức cao. Kỳ hạn giao các tháng 5, 6, 7 lần lượt đứng ở 37.455 Rupi/tạ, 38.115 Rupi/tạ và 38.740 Rupi/tạ, tương đương mức 7.004 USD/tấn, 7.128 USD/tấn và 7.245 USD/tấn ( 1 USD = 53,4747 Rupi ).
Sự chênh lệch giá kỳ hạn trong vòng 1 tuần tính theo đồng Rupi không đáng kể nhưng tính theo tỷ giá đồng USD thì chênh lệch lên đến 130-140 USD/tấn do đồng Rupi suy yếu.
Giá hạt tiêu giao ngay tại thị trường nội địa Ấn Độ lên đứng ở mức 36.800 Rupi/tạ, tương đương 6.882 USD/tấn cho loại tiêu xô và mức 38.300 Rupi/tạ, tương đương 7.162 USD/tấn cho loại tiêu chọn MG1, tuy giá nội địa tăng 500 Rupi nhưng qui ra đồng USD thì giá gần như không đổi.
Tiêu đặc chủng Ấn Độ trên thị trường quốc tế có giá 7.300 USD/tấn (C&F) đối với châu Âu và 7.600 USD/tấn (C&F) đối với Mỹ, không đổi. Đồng Rupi suy yếu khiến giá tiêu Ấn Độ trên thị trường quốc tế trở nên cạnh tranh hơn nữa.
Tuần qua, giá tiêu xuất khẩu của nước ta và nhiều xuất xứ khác gần như không đổi.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn giao dịch SMX tại Singapore, giá tiêu kỳ hạn giao tháng 5 tăng 289 USD, tương đương 4,56%, lên mức 6.624 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 6 tăng 252 USD, tương đương 3,92% lên mức 6.683 USD/tấn, các mức tăng rất mạnh.
Biểu đồ chỉ rõ khoảng cách chênh lệch giữa 2 sàn đang được co lại
Như vậy, từ khoảng cách chênh lệch giữa 2 sàn tiêu kỳ hạn thế giới lúc cao nhất bị kéo dãn ra xấp xỉ 2.200 USD/tấn nay đã được co lại còn khoảng 400 USD/tấn. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà xuất khẩu Việt Nam mạnh dạn đưa hàng lên giao dịch tại sàn SMX nhiều hơn, hạt tiêu xuất khẩu sẽ có giá cạnh tranh hơn và giá tiêu trong nước cũng duy trì ở mức cao.
Được biết ngày 24/4 vừa qua, lô hàng hồ tiêu đầu tiên của thương nhân Việt Nam đã được giao dịch thành công trên sàn giao dịch kỳ hạn quốc tế SMX tại Singapore với tổng khối lượng 15 tấn. Tiêu chuẩn giao dịch trên sàn là tiêu đen loại 550 Gr/l, loại phổ biến của các nước sản xuất hồ tiêu ở khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Đỗ Hà Nam Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), việc giao dịch theo thị trường kỳ hạn tương lai sẽ giúp cho các nhà xuất khẩu nước ta tránh được những rủi ro đáng tiếc khi giá cả thế giới biến động mạnh, nhất là khi sử dụng công cụ phòng hộ của thị trường kỳ hạn.
Sáng hôm nay 7/5, thương lái thu mua tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá 127-128 ngàn đồng/kg, tại Bình Phước giá 125 ngàn đồng/kg, tại Đak Lak-Đak Nông và Gia Lai giá 123-124 ngàn đồng/kg, tăng nhẹ.
Theo giới quan sát thị trường, thương nhân các nước nhập khẩu ở Âu Mỹ sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn hàng khi giá tiêu Ấn Độ đã trở lại mức “phải chăng” hơn.