Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 3 giảm 7,3% so với tháng 2, xuống chỉ187.000 tấn (3,12 triệu bao), theo thống kê của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 16,4% so với cùng tháng năm 2011, khi xuất khẩu 160.000 tấn. Xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay giảm 12,8% xuống 500.500 tấn.
Xuất khẩu trong tháng 4 dự kiến sẽ khoảng 140.000 đến 190.000 tấn (2,33 đến 3,2 triệu bao).
“Các nhà xuất khẩu Việt Nam năm nay không ký quá nhiều hợp đồng kỳ hạn để tránh những rủi ro về giá”, một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, và thêm rằng các nhà xuất khẩu cũng tránh dự trữ quá nhiều do vốn hạn hẹp.
Phiên giao dịch 17/4, cà phê arabica có lúc giảm xuống mức thấp nhất 18 tháng, 1,7390 USD/lb, và chốt phiên ở 1,7830 USD/lb. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giá tăng 2 USD lên 2.005 USD/tấn, từ mức 2,003 USD/tấn phiên đầu tuần.
Giá cà phê Việt Nam giảm nhẹ xuống 39.400 đồng (1,89 USD)/kg, từ mức 39.400-39.500 đồng một tuần trước đây.
Giá đã giảm từ mức cao kỷ lục trong năm là 40.500 đồng/kg hồi đầu tháng 3. Các thương gia cho biết nông dân sẽ chỉ bán ra nhiều khi giá tăng lên ít nhất là 40.000 đồng/kg.
“Nông dân không bán ra lúc này, điều đó sẽ ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu, bởi vụ thu hoạch ở Indonesia sẽ cao điểm vào tháng 6, và khách hàng có thể sẽ chuyển hướng sang mua ở đó thay vì mua cà phê Việt Nam”, một nhà xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam hiện báo giá trừ lùi 30-40 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London, không thay đổi so với một tuần trước đây, trong khi khách hàng nước ngoài trả giá trừ lùi 50 USD, tức là cà phê robusta loại 2, 5% đen và vỡ giá 1.953-1.973 USD/tấn, GOB.
Cà phê Việt Nam cuối tuần qua giá trừ lùi 15 USD so với hợp đồng tháng 7 tại London. Dự báo mức trừ lùi này có thể thu hẹp lại trong tuần này nếu giá cà phê London tiếp tục giảm.
Một thương gia cho biết việc giao dịch sẽ chỉ thuận lợi nếu mức trừ lùi là 30 USD.
Bộ Nông nghiệp dự đoán xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2012 đạt 984.400 tấn, giảm 18,3% so với 1,205 triệu tấn năm trước, do sản lượng thấp.
Các số liệu của chính phủ Việt Nam dựa theo niên lịch (kết thúc vào tháng 12), trong khi niên vụ cà phê bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 9.
Các nhà rang xay cà phê Indonesia –nước sản xuất robusta lớn thứ 2 thế giới- tiếp tục săn lùng nguyên liệu và trả giá cà phê nội địa cao hơn tới 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London, khi vụ thu hoạch đang tiến triển chậm chạp.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Indonesia đã tăng lên 20.200 tấn trong 2 tháng đầu năm nay, từ mức chỉ 2.100 tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp.
Tổ chức Cà phê Quốc tế đã điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng của Indonesia niên vụ 2011/12 xuống 8,25 triệu bao, thấp hơn 9,6% so với mức 9,2 triệu bao dự báo hồi tháng 2, do thời tiết xấu.
Một số yếu tố đang gây áp lực tới thị trường cà phê như lo ngại về tăng trưởng kinh tế vĩ mô ở nhiều khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, ít có khả năng giá sẽ giảm thêm nữa. Nhà phân tích hàng hóa mềm Keith Flury của Rabobank nhận định “Giá sẽ hồi phục lại bởi hàng đã được bán ra gần hết”, và “Nếu giá arabica giảm xuống dưới 1,8 USD thì hoạt động mua thương mại sẽ xuất hiện”.
Điều kiện thời tiết ở những khu vực trồng cà phê chính đang diễn biến khá thuận lợi, song lo ngại gia tăng về thời tiết ở Đông Phi. Mexico và Trung Mỹ sẽ tiếp tục khô hạn.
Thời tiết ở Brazil cũng diễn biến bất thường. Nhiều khu vực sản xuất chính cần thêm nước sau giai đoạn khô hạn kéo dài. Mặc dù đã có mưa lớn, song khô hạn đang quay trở lại trong khi chỉ còn khoảng một tháng nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch – giai đoạn cây cần có độ ẩm để quả mẩy hơn.
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu năm 2011/12 sẽ giảm 2,4% xuống gần 131 triệu bao, chủ yếu do thời tiết xấu làm giảm sản lượng ở một số khu vực trồng trọt chính.