Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2012 đã tăng 0,16% so với tháng 2 năm 2012. Đây được ghi nhận là mức tăng khá thấp sau khi giá xăng, dầu, gas được điều chỉnh tăng. Như vậy, với mức thấp này CPI cả quý 1 đã rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây.
Nguyên nhân của việc CPI tháng 3 diễn biến trái chiều với xu hướng tăng của một số mặt hàng thiết yếu, là nhờ sự lao dốc của do nhóm lương thực và thực phẩm (nhóm chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính chỉ số).
Bằng chứng là trong tháng 2 nhóm hàng này đã giảm khá sâu lần lượt là 1,21% và 1,25%, do nguồn cung dồi dào và giá thịt lợn giảm trước thông tin về việc lạm dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn. Đặc biệt, việc tăng giá xăng dầu mới chỉ tác động đến tuần cuối cùng của tháng, sức mua hàng hoá chững lại nên các mặt hàng khó điều chỉnh tăng giá.
Trao đổi với PV về mức giảm đột biến của CPI tháng qua, bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù CPI quý I đã tăng khá thấp, nhưng không vì thế mà chủ quan.
CPI tháng 3 tăng thấp thể hiện sức tiêu thụ kém của doanh nghiệp?!
Cũng theo bà Lan, thông tin CPI quý I vừa qua đã phản ánh một thực tế là mức tiêu thụ hàng hoá trên thị trường nội địa đã đao xuống mức khá là thấp, vì vậy các mặt hàng không còn cơ để tăng giá nữa.
“Việc giá các mặt hàng đứng im, khiến cho doanh nghiệp không thể hoạt động sản xuất, kéo tình hình kinh tế chậm phát triển và có nguy cơ đình đốn”, bà Lan cho biết.
Cùng với việc CPI quý I đi xuống, nhập siêu Việt Nam trong 3 tháng đầu năm vừa qua cũng giữ ở mức khá thấp. Cụ thể, giảm hơn 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu hơn 1%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,75 tỷ USD; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 2,5 tỷ USD.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, nhập siêu thấp trong quý I không phải là điều đáng mừng mà đó lại là nỗi lo. Nhập siêu giảm thể hiện sự suy giảm của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước nên nhu cầu nhập nguyên, nhiên, phụ liệu sản xuất đang có nhu cầu thấp. “Đây là tín hiệu buồn báo trước sự tăng trưởng công nghiệp trong thời gian tới vẫn còn u ám”, bà Phạm Chi Lan nói.