Theo dự đoán của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), trong năm 2012 thế giới sẽ thiếu khoảng 51.000 tấn tiêu, trong khi sản lượng tiêu toàn cầu ước tăng 7,3%, tương đương 21.755 tấn, tức là từ 298.400 tấn của năm 2011, lên 320.155 tấn. IPC còn dự đoán tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 7.550 tấn lên 371.000 tấn so với chỉ 363.450 tấn của năm ngoái.
Con số này được đưa ra dựa trên báo cáo về tình hình sản xuất và tiêu thụ hạt tiêu của các nước thành viên và đánh giá của IPC tại Hội nghị Thường niên lần thứ 39 họp từ 22 - 26/11/2011 tại Lombok, Indonesia.
Được biết, con số gia tăng 7,3% sản lượng toàn cầu mà IPC đưa ra chủ yếu của Việt Nam ( tăng 10% lên 110.000 tấn), Indonesia (tăng 8.000 tấn, tương đương 24%, lên 41.000 tấn) và Malaysia (tăng 1.250 tấn, tương đương 5%, lên 26.500 tấn).
IPC cũng dự kiến sản lượng tiêu của Ấn Độ giảm 5.000 tấn, tương đương 10,4 %, xuống còn 43.000 tấn vì lí do thời tiết và sâu bệnh.
Tuy nhiên, IPC đã đưa ra dự báo sơ bộ đầu tiên về sản lượng tiêu năm 2012 của các nước thành viên là Việt Nam 140.000 tấn, Ấn Độ 42.000 tấn, Indonesia 35.000 tấn, Brazil 30.000 tấn, Malaysia 20.000 tấn, Sri Lanka 15.000 tấn.
Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam (VPA) trong báo cáo quý IV/2011, có tính đến những thuận lợi và khó khăn của từng vùng sản xuất cụ thể, đã khẳng định: Nhìn chung cả nước, vụ tiêu năm 2011 được đánh giá là được mùa, sản lượng ước trên 110.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với vụ năm 2010.
Sau đó, để đánh giá một cách đầy đủ và chính xác vụ tiêu 2012, VPA đã tổ chức Đoàn đi khảo sát thực tế, chia làm 2 đợt. Đợt 1 khảo sát tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 29 và 30/12/2011. Đợt 2 tại tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên từ ngày 14 đến 17/2/2012. Đoàn khảo sát đã đưa ra ý kiến: Tổng quan chung về kết quả sản xuất vụ tiêu năm 2012 trong phạm vi cả nước về sản lượng ước đạt 95.000 – 100.000 tấn, giảm 10 – 15% so với vụ 2011. Kết thúc vụ thu hoạch sẽ có số liệu báo cáo các tỉnh chính xác hơn. Ý kiến của Đoàn khảo sát bước đầu chỉ mới dừng lại ở mức độ tham khảo.
Đầu năm 2012, VPA có đưa ra 1 bảng báo cáo tổng hợp số liệu, ước thực hiện kế hoạch năm 2012 như sau: Về sản lượng, tổng thu 109.668 tấn, trong đó 6 tỉnh trọng điểm 90.168 tấn, các tỉnh khác 19.500 tấn (có ghi chú từ nguồn báo cáo của các địa phương).
Theo báo cáo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu tiêu cả năm 2011 đạt 123.808 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 732,2 triệu USD, tăng 5,9% về lượng và tăng đến 73,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tuy cũng dễ nhận thấy một số lượng khá lớn tiêu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng con đường biên mậu là không thể thống kê. IPC đã nhiều lần yêu cầu có con số cụ thể về thị trường này nhưng VPA không trả lời được. Vì vậy, nếu tính thêm cả lượng tiêu thụ nội địa thì con số sản lượng năm sẽ không nằm quanh quẩn ở 100.000-110.000 tấn.
Trong khi đó, đỉnh điểm của thị trường hạt tiêu thế giới vào ngày 19/3, tại Ấn Độ giá tiêu xô lên 400 Rupi/kg, tiêu chọn 413 Rupi/kg và tiêu kỳ hạn lên 450,05 Rupi/kg lập nên mốc lịch sử mới. Đặc biệt, giá tiêu xuất khẩu của Ân Độ cao hơn các xuất xứ khác trên 1.000 USD/tấn, cao chưa từng thấy. Giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX-Ấn Độ được đẩy lên chênh lệch với giá trên sàn SMX-Singapore xấp xỉ 2.000 USD/tấn.
Ngày 5/4 vừa qua, trên 1 số trang mạng đã xuất hiện thông tin: Những ước tính mới nhất cho thấy nguồn cung hạt tiêu đen Việt Nam, nhà sản xuất – xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, khá dồi dào, đã chặn đứng khuynh hướng giá lên trên các thị trường giao dịch hạt tiêu toàn cầu. Theo những ước tính mới nhất, sản lượng hạt tiêu Việt Nam trong vụ thu hoạch này có thể lên mức 135 – 140 ngàn tấn, so với những ước tính trước đây ở mức 100 – 110 ngàn tấn.
Chiều hôm qua 8/4, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục giảm nhẹ xuống 118.000 đồng/kg, tại Tây nguyên xuống 114.000-115.000 đồng/kg nhưng lượng giao dịch không đáng kể. Hầu như các thị trường hạt tiêu nội địa lẫn xuất khẩu đều trong trạng thái chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn ở tương lai.
So với mức cao kỷ lục gần 160.000 đồng/kg hồi cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm ngoái, giá hạt tiêu hiện đã giảm 50.000 đồng/kg, tương đương xấp xì 30%