Giá cà phê abrica trên thị trường New York đã giảm 20% trong năm nay trước triển vọng vụ mùa cao kỷ lục ở Brazil, trong khi giá cà phê robusta tại London lại tăng 12% do xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm.
Tuy nhiên theo giới phân tích, cà phê arabica đang có nhiều khả năng bật dậy mạnh mẽ, sau khi rơi xuống mức thấp nhất 17 tháng vào cuối tháng 3 vừa qua, còn cà phê robusta sẽ ngược lại.
Theo báo cáo của Macquarie Group, người trồng cà phê Việt Nam đã tích trữ cà phê robusta nhằm phòng tránh rủi do lạm phát leo thang trong năm ngoái, có thời điểm lên tới hơn 23%. Nhưng trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát được giảm xuống 14% trong tháng 3 và vụ thu hoạch sắp bắt đầu ở Indonesia cùng Brazil, họ có thể tăng cường lượng bán ra.
Các nhà phân tích của ngân hàng Rabobank, đứng đầu là Keith Flury, trong một phân tích mới đây cũng chỉ ra rằng, “mọi người đều dồn sự chú ý việc khan hiếm nguồn cung robusta, điều này sẽ thay đổi khi Indonesia và Brazil vào mùa thu hoạch khiến người trồng cà phê ở Việt Nam buộc phải bán ra”. Giá cà phê robusta có thể về 1.600 USD/tấn vào quý 4 năm nay, thấp hơn 21% so với hiện tại, sau khi đã tăng 12% ở quý 1.
Cũng theo bà Flury, hiện thị trường đang đánh giá quá thấp về sự căng thẳng cung cầu arabica trong những tháng tới.
Báo cáo được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs cuối tháng 3 cho thấy, giá arabica giao dịch trên sàn ICE đã giảm 20% trong 3 tháng đầu năm nay, mức giảm trong 1 quý lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua, đồng thời cũng là mức thấp nhất trong 17 tháng với 1,7445 USD/lb hôm 22/3. Trong 3 tháng tới, giá sẽ ở mức 2 USD/lb do hạn hán ở Brazil và nhu cầu từ các thị trường mới nổi bùng nổ.
Biểu đồ giá cà phê arabica
Giá cà phê arabica giảm 20% trong quý 1/2012 (nguồn: cafef)
Trong năm nay, cà phê arabica là mặt hàng có diễn biến tồi tệ thứ hai trong chỉ số hàng hóa giao ngay Standard Poor’s Spot GSCI bao gồm 24 loại hàng hóa, chỉ đứng sau khí thiên nhiên. Quý 1, chỉ số này tăng 6,8% trong khi chỉ số theo dõi chứng khoán thế giới MSCI tăng 12%.
Giá arabica tăng có thể khiến các hãng kinh doanh cà phê chuộng sản phẩm này như Starbucks phải chịu nhiều chi phí hơn và giảm lợi nhuận. Trong khi đó Nestle, công ty sử dụng nhiều cà phê robusta để sản xuất Nescafe với 51% thị trường cà phê hòa tan toàn cầu, sẽ được hưởng lợi từ giá robusta xuống thấp.
Theo công ty kinh doanh cà phê Volcafe của Thụy Sỹ, nguồn cung robusta thế giới có thể vượt quá cầu một lượng khoảng 1,2 triệu bao trong niên vụ bắt đầu từ tháng 10 năm nay, so với con số thiếu hụt 1 triệu bao của vụ hiện tại. Trong khi đó báo cáo từ EDF Man Holdings có trụ sở đặt tại London thì cho rằng, sản lượng arabica sẽ dôi ra so với nhu cầu khoảng 800.000 bao niên vụ 2012/13, thay vì thiếu hụt 6 triệu bao ở vụ này.
Giá cà phê robusta tăng 12% trong quý đầu năm (nguồn: cafef)
Ý kiến của Walter “Bucky” Hellwig, người quản lý tài sản trị giá 17 tỷ USD cho quỹ BBT Wealth Management ở Birmingham thì nhận xét, mức tăng giá arabica có thể bị kìm hãm bởi các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay chỉ ở mức 3,3%, giảm so với 3,8% của năm 2011. Tăng trưởng kinh tế của châu Âu sẽ giảm 0,5% do phải đối phó với khủng hoảng nợ. Tốc độ tăng trưởng của Mỹ, nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới, sẽ rất thấp như lời phát biểu của chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed, Ben S. Bernanke hôm 29/3.
Do giá biến động ngược chiều nhau trong quý đầu năm nên giờ đây các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ vẫn có những quyết định không gây bất ngờ. Theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, trong tuần cuối tháng 3, các quỹ đã đặt cược vào giá cà phê arabica hạ, với vị thế bán ròng 9.964 hợp đồng tương lai và quyền chọn. Các quỹ trong khi đó tăng 8,5% vị thế mua ròng cà phê robusta trong cùng thời gian này với 8,345 hợp đồng, số lượng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, khi NYSE Liffe bắt đầu công bố dữ liệu.
Sự đặt cược vào cà phê robusta có thể bị đảo ngược một khi người trồng cà phê ở Việt Nam tăng xuất khẩu. Họ đã bán khoảng 70% lượng cà phê của vụ năm nay, theo Volcafe. Tháng tới, khi vụ thu hoạch được bắt đầu ở Indonesia và Brazil và tỷ lệ lạm phát trong nước giảm xuống, nông dân có thể tiếp tục bán ra. Sản lượng của Indonesia, nước trồng cà phê lớn thứ ba thế giới, sau Việt Nam và Brazil, có thể tăng 38% lên mức 11 triệu bao trong vụ bắt đầu từ tháng 4/2012. Sản lượng của Brazil trong khi đó sẽ ở mức 37,4 triệu bao arabica và 16,4 triệu bao robusta, lần lượt giảm 11% và tăng 14% so với vụ trước.