Theo nhận định của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), thị trường hạt điều sẽ “ấm” lên từ quý II năm nay dựa trên những cơ sở như mức tiêu thụ sản phẩm nhân điều tại thị trường Ấn Độ ngày một nhiều hơn; các thị trường khác ở Đông Âu , Tây Á cũng phát triển.
Tín hiệu tốt của thị trường
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ nhân hạt điều trên thế giới vẫn cao, nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nên lượng tiêu thụ bị tụt xuống thấp vào cuối năm 2011 và đầu năm nay. Đây cũng là lý do khiến một số DN chế biến bị tồn hàng trong thời gian qua. Tháng 2 vừa qua, xuất khẩu hạt điều đã có dấu hiệu phục hồi trở lại sau 3 tháng liền bị sụt giảm. Sản lượng nhân điều xuất khẩu tháng 2 đạt trên 11 ngàn tấn, tăng 12,8% (so với tháng trước). Tổng kim ngạch xuất khẩu nhân điều đã đạt trên 75 triệu USD, tăng 0,85%. Tuy mức tăng trưởng chưa cao, nhưng đã báo hiệu tình hình tiêu thụ có khả quan hơn.
Phần lớn các thị trường nhập khẩu hạt điều lớn của Việt Nam trong tháng 2 cũng đều có mức tăng so với tháng 1, cụ thể như kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 22 ngàn USD, tăng gần 55%; Hà Lan hơn 10 triệu USD, tăng gần 2%; Úc gần 6 triệu USD, tăng trên 54%; Anh trên 3 triệu USD, tăng hơn 25% và Nga trên 3 triệu USD, tăng gần 19%. Giá nhân hạt điều gần đây cũng có phần cải thiện. Sản phẩm hạt điều nhân W320 hàng FOB giao tại ICD Tây Nam (cảng Sài Gòn) trung tuần tháng 2 là 8,62 USD/kg, nhưng sang đầu tháng 3 này đã nhích lên 8,64 USD/kg.
Ưu tiên mua điều trong nước
Năm 2011, ngành điều trong nước đã chế biến xuất khẩu được trên 166 ngàn tấn nhân điều các loại và 40 ngàn tấn dầu vỏ hạt điều, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD. Trong năm nay, mục tiêu phấn đấu xuất khẩu của ngành điều khoảng 170 ngàn tấn nhân và 60 ngàn tấn dầu vỏ hạt điều với kim ngạch đạt 1,5 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu hơn 11% so với năm 2011. Dự kiến, sản lượng điều thô để chế biến gần 700 ngàn tấn, trong đó hạt điều mua trong nước từ 380 – 400 ngàn tấn, còn lại là nhập khẩu.
Tại buổi hội thảo về giải pháp tín dụng xuất khẩu điều năm 2012 vào đầu tháng 3, Chủ tịch Vinacas Nguyễn Thái Học cho biết, mặc dù giá điều thô nhập khẩu năm nay rẻ hơn điều trong nước, nhưng hiệp hội vẫn đề nghị các DN chế biến ưu tiên mua điều trong nước. Vinacas cũng đề nghị các ngân hàng bố trí nguồn vốn cho các DN nhanh chóng thực hiện việc mua điều trong dân. Thị trường nhập khẩu điều thô của Việt Nam hàng năm chủ yếu từ các nước châu Phi như: Ghanna, Nigeria, Mozambique, Madagascar, Togo. Ở châu Á, có Indonesia, Campuchia.
Hiện nay, công nghệ chế biến điều trong nước liên tục phát triển. Đã có khoảng 50 nhà máy đầu tư máy cắt hạt điều tự động; 100% các nhà máy quy mô lớn đã đầu tư hệ thống máy bóc vỏ lụa tự động. Những loại máy phân loại màu theo công nghệ của Nhật đang được nhiều DN chế biến quan tâm đầu tư. Đây cũng là điều kiện để ngành điều giảm lượng lao động thủ công (hiện đang thiếu hụt lớn) và tăng sức cạnh tranh.
Ngành điều “đói vốn” mua nguyên liệu
Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) Nguyễn Thái Học vừa có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương để “ kêu cứu” về vốn tín dụng cho DN mua điều chế biến xuất khẩu. Theo đó, hiện nay đã vào mùa thu hoạch rộ điều nhưng khá nhiều DN trong hiệp hội không có tiền mua nguyên liệu. Dự kiến, vụ điều năm nay cả nước thu hoạch khoảng 400 ngàn tấn, cho đến gần cuối tháng 3 mới mua khoảng 100 ngàn tấn, trong đó 50% do các cơ sở chế biến nhỏ và DN thương mại mua.
Vinacas cũng cho biết, từ nay đến cuối tháng 4-2012, nếu mua hết 300 ngàn tấn điều về dự trữ cho chế biến thì các DN cần phải có nguồn vốn vay lên tới 8 ngàn tỷ đồng. Vinacas kiến nghị các ngân hàng thương mại gia hạn các khoản còn nợ và cho vay bổ sung mới đảm bảo mua hết nguồn nguyên liệu điều trong dân; đồng thời phải giảm lãi suất cho vay, vì với mặt bằng lãi suất còn cao như hiện nay, DN chế biến điều không dám vay mua nguyên liệu dự trữ do thị trường và giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2011. X.P