Tuy nhiên, không phải vì con số đó mà có thể lạc quan về CPI quý 2 và triển vọng lạm phát của cả năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vẫn còn khá nhiều áp lực đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Bất ngờ thú vị
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng Ba chỉ tăng 0,16% so với tháng trước, đây là mức thấp nhất trong 20 tháng qua. Như vậy, tính chung cả quý 1 năm nay, lạm phát dừng ở mức 2,55%.
Mức tăng rất thấp của CPI tháng Ba khiến nhiều chuyên gia kinh tế bất ngờ.
Trước đó, hiện tượng giá gas, xăng dầu và một số hàng hóa khác đồng loạt tăng dường như đã giúp các chuyên gia có đầy đủ lý do để đưa ra cảnh báo CPI tháng Ba sẽ tăng xấp xỉ 1%. Ngay cả Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đưa ra dự báo CPI tháng Ba tăng khoảng 0,4-0,5%.
Theo phân tích của bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sở dĩ CPI tháng Ba hạ nhiệt vì giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh.
Cụ thể, giá lương thực trên thị trường đã giảm 1,21% so với tháng Hai do xuất khẩu gạo không được thuận lợi, giá thực phẩm cũng giảm 1,25% do nhu cầu tiêu dùng giảm cộng với sản lượng dồi dào.
Sự giảm giá của hai mặt hàng này đã khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất (39,9%) trong rổ hàng hóa tính CPI - giảm tới 0,83%.
Mặc dù kể từ ngày 7/3 Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá xăng, nhưng do kỳ tính CPI chỉ đến ngày 15 hàng tháng nên việc tăng giá này chưa tác động nhiều đến lạm phát tháng 3.
Bà Hằng cho biết việc điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu gần 10% so với mức giá cũ chỉ đóng góp vào mức tăng CPI chung của tháng 3 khoảng 0,08% do tỷ trọng của nhóm này trong rổ hàng hóa chung không phải là lớn nhất.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng đồng quan điểm với bà Hằng và cho rằng CPI tháng Ba tăng thấp là hoàn toàn hợp lý.
Theo ông Ánh, nhìn vào con số thống kê, có thể thấy CPI tăng do tác động của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm giao thông.
Tuy nhiên, hai nhóm hàng này chỉ chiếm tương ứng 10% và 8,87% trong rổ hàng hóa tính CPI. Nhóm có tỷ trọng cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại giảm giá. Chính vì vậy, CPI cả tháng bị kéo xuống.
Còn nhiều áp lực
CPI tháng Ba và quý 1 giảm là vậy, nhưng dự báo trong tháng tới và quý 2, nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy vẫn khó có thể lạc quan do vẫn còn nhiều áp lực phía trước.
Việc tăng giá và áp lực tăng giá của các mặt hàng gas, xăng dầu, điện là những thách thức lớn nhất đối với triển vọng lạm phát trong những tháng tới.
Như trên đã nói, việc xăng dầu tăng giá vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến CPI tháng Ba nhưng sẽ tác động lớn tới kỳ CPI tiếp theo do giá xăng sẽ kéo nhiều mặt hàng khác có khả năng tăng theo.
Do độ trễ chính sách nên CPI tháng Ba chưa bị tác động nhiều nhưng sự tăng giá này sẽ tác động vào CPI tháng Tư và quý 2. Điều này là do xăng dầu là đầu vào quan trọng của sản xuất nên việc giá xăng tăng sẽ tác động làm nhiều hàng hóa và dịch vụ khác tăng tác động làm tăng CPI.
Trong khi đó, giá điện được cảnh báo sẽ còn tăng tiếp và tăng ngay trong năm nay. Giá điện rất có thể sẽ tăng trong tháng 4 vì theo quy định của Chính phủ, ngành điện chỉ được điều chỉnh giá tối thiểu ba tháng/lần. Lần điều chỉnh giá gần đây nhất là 20/12/2011.
Các chuyên gia kinh tế cho hay, nếu như mọi năm, nhìn vào CPI tháng Ba có thể dự báo xu hướng cả năm thì năm nay, các dự báo phải chờ vào diễn biến giá cả tháng sau mà cụ thể là giá điện. Theo các chuyên gia nếu giá điện tăng 5% thì tác động đến 0,36% CPI.
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nếu như trước đây, mục tiêu lạm phát dưới 10% trong năm 2012 khá khả thi thì hiện tại các dự đoán không còn quá lạc quan như trước.
Ông Thành cũng cho rằng nếu lương cơ bản tăng từ tháng Năm thì tác động đến lạm phát quý 2 sẽ cao hơn rất nhiều.
Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc nghiên cứu quỹ Dragon Capital, cảnh báo: "Chúng ta không thể nào chủ quan. Lạm phát của Việt Nam rất nhạy cảm và có thể thay đổi rất nhanh. Để kiểm soát lạm phát một cách bền vững, ngoài góc cạnh chính sách tiền tệ và tài khóa, việc quan trọng nhất và bức thiết là phải thay đổi cơ chế điều hành giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm và xăng dầu."
Theo dự báo của ông Tuấn, tháng Tư, việc tăng giá xăng mới bắt đầu "ngấm," cùng với đó là tâm lý lạm phát bị đẩy lên cao.
Theo đó, CPI trong tháng Tư dự báo sẽ tăng khoảng 0,6-0,8%. Ông Tuấn cũng cho rằng để đạt được con số trên thì trong tháng Tư không nên tăng thêm giá của một mặt hàng thiết yếu nào nữa. Nếu tăng giá điện thì cũng nên đợi đến tháng Sáu cho tình hình dịu bớt.
Trong khi đó, theo tính toán của Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) dựa trên cả những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, giá xăng tăng 1% thì CPI sẽ tăng thêm 0,33%, kéo dài trong từ 2-3 tháng.
Theo HSC, mức độ tăng lần này gấp đôi so với kỳ vọng của công ty (tính cả xăng và dầu) nên điều này sẽ khiến CPI tăng thêm tổng cộng khoảng 2,5-3% trong vòng 3 tháng tới.
Ảnh hưởng tăng CPI sẽ rơi nhiều nhất vào tháng Tư trước khi hạ nhiệt bớt vào tháng Năm. CPI tháng Tư, HSC cho rằng sẽ tăng ở mức khoảng 1,8%.