Nhà cung ứng đề xuất tăng giá nhiều mặt hàng
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho biết: Sau khi nhận được thông báo giá của các nhà cung ứng hàng hóa, một số siêu thị đã tăng giá từ 2%-3% đối với các mặt hàng sản xuất trong nước hay thuộc khối liên doanh như: sữa, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, gia vị, bột ngọt, hàng bách hóa tổng hợp… dầu ăn, đường, bánh kẹo từ 5%-10%; bơ, sữa đông lạnh, nước giải khát từ 10% trở lên; đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, may mặc từ 3%-5%...
Nguyên nhân tăng giá do ảnh hưởng của 3 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp (2 lần trong tháng 6 và 1 lần trong tháng 7).
Đồng thời, các siêu thị đang cân nhắc tăng giá nhiều mặt hàng ngoại nhập như: bơ, sữa, phô mai và nhiều mặt hàng thực phẩm. Những hàng hóa này đang được đề xuất tăng giá 10% do ảnh hưởng của tăng giá xăng và tỷ giá.
Tại TP. HCM một số nhà cung cấp ở các ngành hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, may mặc, bánh kẹo… có đề xuất tăng giá với mức tăng trung bình từ 10% trở xuống. Đặc biệt, nhiều loại bánh kẹo ngoại nhập đề xuất mức tăng từ 10-20%.
Siêu thị lo “ế” hàng
Với mức tăng một số mặt hàng do các nhà cung ứng đề xuất lên đến 10-15% khi xăng tăng giá vào cuối tháng 6 và nhiều nhà cung ứng tiếp tục đề xuất tăng giá sau khi xăng tiếp tục “nhảy” giá vào ngày17/7, nhiều siêu thị không khỏi lo lắng việc tăng giá sẽ dẫn đến tình trạng mất khách, tăng lượng hàng tồn kho, do sức mua hàng vẫn đang ở mức thấp do người tiêu dùng vẫn cần thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn. Vì vậy, khá nhiều siêu thị rất cân nhắc đối với việc tăng giá với từng mặt hàng. “Hiện chúng tôi đang kiểm tra lại xem những mặt hàng nào đã có thông báo giá mới và cân nhắc tăng giá hợp lý nhất”- đại diện một siêu thị Hà Nội cho biết.
Một số siêu thị đã tìm nhiều biện pháp để hạn chế vấn đề này như siêu thị Maximark khống chế mức tăng giá tối đa 10%. Hệ thống siêu thị Co.opmart, BigC thì phối hợp với nhà cung cấp chạy chương trình khuyến mãi bù đắp cho các mặt hàng buộc phải tăng giá.
Thời gian qua thị trường hàng hóa, tiêu dùng cũng oằn mình để chạy theo những đợt tăng giá xăng liên tục. Các doanh nghiệp dù cố gắng cũng khó tránh được việc tăng giá hàng hóa dù điều này có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường. Giờ ra đường, những khuôn mặt “héo”, dễ cáu kỉnh xuất hiện ở khắp nơi, và vì thế, chỉ những quán trà chanh vỉa hè là vẫn đông bởi là chỗ để mọi người xả bức xúc mệt mỏi, bất chấp chúng được pha chế sạch bẩn ra sao, bởi khách đến không vì cốc trà mà vì muốn “chém gió”, thứ nhu cầu không bao giờ lên hay xuống giá.