Từ 1/8, Hà Nội tăng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Chính vì vậy, mức tăng dịch vụ y tế 63,94% so với tháng trước của Hà Nội đã đẩy chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% và đóng góp 0,23% vào mức tăng chỉ số chung của cả nước. Đây là mức tăng cao nhất của tháng 8.
Đứng thứ hai là lĩnh vực giao thông, tăng 1,11% so với cùng kỳ tháng trước.
Cũng giống như quý 3/2012, các quyết định tăng giá dịch vụ y tế và tăng học phí thường song hành. Tháng 8 bắt đầu vào năm học mới nên nhiều loại học phí ở một số tỉnh, thành phố tăng theo quy luật hàng năm đã đẩy chỉ số giá nhóm giáo dục cả nước tăng 0,9% so với tháng trước. Chính nhóm dịch vụ y tế, nhóm giáo dục tăng và nhóm giao thông đã kéo giá tiêu dùng lên cao.
Trong tháng 8/2013, nhiều mặt hàng quan trọng cũng tăng giá trở lại. Cụ thể, nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 0,54%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,7%, nhóm thực phẩm cũng tăng 0,62%. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14%. Nhóm nhà ở vật liệu xây dựng chỉ tăng 0,88%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2013 chỉ duy nhất nhóm bưu chính, dịch vụ viễn thông giảm giá, mức giảm cũng không đáng kể, chỉ 0,02%.
Vừa qua (22/8), Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh giảm giá bán xăng tối thiểu 300 đồng/lít. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng lần này chưa thể hiện trong chỉ số CPI tháng 8/2013 vì kỳ tính toán là từ 15/7 đến 15/8. Nhưng mức giảm giá nhẹ giá xăng vừa qua cũng sẽ tác động đáng kể trong CPI tháng tới.
Trong tháng 8, hai mặt hàng không được tính vào chỉ số giá là vàng và USD, tăng lần lượt 0,32% và 0,06% trong tháng 8. So với cùng kỳ năm 2012, chỉ số giá vàng giảm 13,43% và giá USD tăng 1,63%.